Sự tử tế của những điều giản dị
Bức ảnh có tên “Vị đắng của chanh” được nhà báo Nguyễn Tiến Luyến (công tác tại Báo Lao động Xã hội) viết trên facebook: Bà cụ đã 83 tuổi, đội trên đầu mấy chục cân chanh, chân bước lẩy bẩy như sắp ngã. Cụ nói: "Lấy cho cụ một túi, chanh đào ngon lắm!". Hai bàn tay gầy guộc cụ đếm từng đồng tiền lẻ đã cũ mèm cẩn thận cất vào túi. Chanh đào không hạt mà sao vẫn có vị đắng trên môi!
Còn bao nhiêu mùa chanh nữa, đôi dép lê mòn gót theo cụ qua từng con phố, nẻo đường Hà Nội: Yên Ninh, Trấn Vũ, Hoàng Hoa Thám...
Bức ảnh đăng ngày 29/8 đến 5/9 có khoảng 30.000 like, 10.000 share, 3.300 comment. Ngay sau khi bức ảnh xuất hiện trên face, nhiều báo mạng đã khai thác, đăng tải. Các trang mạng nước ngoài cũng đăng lại bức ảnh này. Nếu cộng thêm từ các facebooker đã chia sẻ thì con số like sẽ tính bằng triệu, một lượng like khủng cho bức ảnh “cực kỳ bình thường” này.
Anh Luyến chia sẻ: “Lúc 11h15, ngày 29/8, tôi ngồi uống cà phê cùng các bạn tại 102 phố Trấn Vũ, Hà Nội, thấy bà cụ dáng khắc khổ, gầy gò, đội trên đầu đến mấy chục cân chanh đi bán rong. Tôi đứng dậy mua giúp cụ túi chanh. Cụ lấy trong túi mấy đồng lẻ trả lại tiền thừa. Tôi xin biếu cụ số tiền ấy. Cụ từ chối."Tôi cũng không nghĩ bức ảnh ấy, rung cảm riêng của tôi lại có nhiều người đồng cảm đến vậy. Khi đăng lên bức ảnh có đời sống, số phận riêng của nó. Một chiêm nghiệm rất thú vị về chụp ảnh, về làm báo".
Nguyễn Tiến Luyến
Sau đó, một số khách hàng uống cà phê cũng mua chanh cho cụ. Cảnh đó gây gây xúc động mạnh và tôi chộp ngay mấy tấm. Tôi chụp từ góc trên cao xuống, tạo hiệu ứng mạnh về hình ảnh. Cả mủng chanh to đè trên đầu cụ làm khuất khuôn mặt với chiếc nón mê trên đầu. Hai bàn tay gầy guộc đếm những đồng tiền lẻ có được sau bao nhọc nhằn, vất vả ở tuổi 83”.
Trên Facebook của Nguyễn Tiến Luyến, có nhiều bình luận đầy xúc cảm. Nhà văn Nguyễn Thành Phong: “Một câu chuyện thật nhân văn. Cứ sống và làm việc với tâm thế này thì dù gặp điều gì ta cũng luôn thanh thản”. Xứ Lạnh: “Mẹ ơi, cho dù chúng con có lớn khôn, có trưởng thành thế nào đi nữa cũng không bao giờ đền đáp đươc công ơn dưỡng nuôi và chở che của mẹ. Xin lỗi mẹ, chúng con đã lớn khôn mà vẫn để các mẹ phải vất vả lê những bước chân cuối đời vì chúng con”. Trần Anh: “Nhân cách lớn từ con người bé nhỏ. 83 tuổi vẫn lao động, không muốn nhận tiền bố thí. Bài học lớn cho những ai hưởng thụ trên lưng người khác…”.
Chiếc điện thoại “thần thánh”
Rấc ngạc nhiên, bức ảnh “Vị đắng của chanh” được chụp bởi điện thoại, không chỉnh sửa, đăng Facebook ngay tắp lự. “Chụp ảnh cũng lắm công phu, nhưng tôi luôn tin sự chân thành mới lay động lòng người. Bà cụ ấy cũng như mẹ, như chị tôi, mưu sinh vất vả. Tôi nghĩ nhiều người trưởng thành luôn mang theo hình ảnh ấy, có người còn mẹ trên đời để báo hiếu, có người không còn mẹ nữa nên đau nhói. Vị đắng của chanh là vị đắng ấy. Khi chụp tôi không muốn hỏi nhiều chuyện riêng của cụ, sợ lại đụng chạm đến những điều không nên. Tôi rung động vì điều đó thôi. Chẳng có cái gì gọi là nghệ thuật cả”, anh Luyến tâm sự.
Có phóng viên nhờ anh Luyến tìm giúp bà cụ, anh chia sẻ: “Tôi đã chụp khất lấp khuôn mặt bà cụ, bao trùm lên đầu, lên lưng bà là mẹt chanh. Tất cả đều có nghĩa của nó, tôi không muốn làm lộ ra những góc cuộc sống khác của bà. Số phận một con người cũng có nhiều điều tế nhị. Có nhiều bà cụ như thế lắm, không cần mất công tìm…”.
Khi cái đẹp lan toả
Cộng đồng mạng quen những cơn sốt kiểu khoe thân, đánh ghen… với đoạn câu like quen thuộc “và cái kết bất ngờ”, nay sẽ ngạc nhiên, sẽ bất ngờ với bức ảnh bình thường lại có sức lan toả bất thường này. Điều gì chạm đến trái tim họ?. “Sức lan toả và sự đồng cảm của cộng đồng mạng, đặc biệt là trong giới trẻ trong những ngày qua về bức hình đời thường rất giản dị cho thấy niềm tin không bao giờ được đánh mất. Càng không nên lúc nào cũng sống trong ngờ vực và nghi kỵ. Sự tử tế trong mỗi người được đánh thức sẽ làm cho cuộc sống và xã hội tốt đẹp hơn”, cha đẻ bức ảnh “Vị đắng của chanh” đúc kết.
Giữa đô thị phồn hoa, trên cộng đồng xôn xao, hình ảnh cụ già bán chanh đang mang lại những vị đắng. Một vị đắng cần thiết làm chùng lại những lao xao hưởng thụ, những bộn bề toan tính để sống đẹp hơn, có trách nhiệm hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét