Nhiều nghệ sĩ học xong từ chối về quê hương vì lý do như không thích khí hậu, giao thông, nghệ thuật không được nhìn nhận đúng giá trị… Giả thử chuyển về Việt Nam sống hẳn, thì điều anh không thích lắm ở đây là gì?
Ở Việt Nam còn rất nhiều những vấn đề của một xã hội đang phát triển, hội nhập. Giao thông là một vấn đề khó có thể giải quyết do ý thức của người dân, khí hậu tuy có khắc nghiệt nhưng không có nghĩa là không thể chịu nổi, với cá nhân tôi. Riêng về ngành âm nhạc cổ điển thì cần sự quan tâm đúng mức hơn nữa của nhà nước đồng nghĩa với sự quan tâm và trân trọng của xã hội. Nhạc cổ điển không phải là âm nhạc của dân tộc Việt nhưng trong xã hội văn minh thì nó được đánh giá một cách đúng đắn. Ở Việt Nam thì chưa.
Từng là nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Macedonia, theo anh có áp lực gì với một nhạc trưởng Việt Nam làm việc với nhạc công châu Âu?
Nếu tôi có áp lực thì tôi đã không tồn tại đến ngày hôm nay (cười). Nhạc công ở đâu cũng vậy thôi. Nếu bạn có trình độ, có tâm thì họ cũng sẽ kính phục và quí nể. Tôi không chỉ làm việc với dàn nhạc Macedonia mà tôi đã làm với hầu hết các dàn nhạc nổi tiếng của các nước vùng Nam Âu, Tây Âu. Ở đâu thì họ cũng đánh giá tôi dưới khía cạnh chuyên nghiệp cao, cộng với cái tâm của một người châu Á, nhẫn nại, ôn hòa.
Được biết ở nhiều nước nghệ thuật hàn lâm nói gần đây cũng bị cắt giảm đầu tư. Nghệ sĩ, nhạc công ở châu Âu có gặp những khó khăn tương tự như ở Việt Nam không?
Họ gặp nhiều những khó khăn mới. Bạn bè của tôi nếu chỉ sống bằng việc đánh ở một dàn nhạc nào không thường xuyên thì đều không đủ sống. Ngay cả các nhạc công của các dàn nhạc lớn, nổi tiếng cũng vậy. Nghệ sĩ ở mọi nơi đều không có cuộc sống dễ dàng về kinh tế.
Nhạc giao hưởng có nhất thiết phải phổ cập hóa. Hay là cứ để nó như một bộ môn dành riêng cho tầng lớp elite (tinh hoa) của xã hội.
Một đất nước muốn hội nhập hóa toàn cầu thì nó nên có đủ mọi tiêu chuẩn về một xã hội văn minh và ngành âm nhạc cổ điển cũng là một phần trong bộ mặt văn hóa không thể thiếu. Chú trọng giáo dục một cách sâu hơn về bộ môn âm nhạc cổ điển chỉ có ích hơn thôi cho sự phát triển trí tuệ, tâm sinh lý. Tôi không coi âm nhạc cổ điển là một loại hình nghệ thuật giải trí cho tầng lớp chọn lọc của xã hội. Đầu tư để học một nhạc cụ thành tài mất rất nhiều công, nhiều của nhưng để đi nghe một đêm nhạc cổ điển thì cũng không tốn kém lắm đâu.
Sắp tới Nhà hát Lớn sẽ mở cửa chào đón các chương trình nghệ thuật chất lượng. Thời gian đầu Bộ VHTTDL sẽ có “nâng đỡ hỗ trợ” ví dụ như giảm giá thuê rạp để giảm giá vé, lôi kéo khán giả. Ý kiến của anh về chiến lược này?
Tôi hoàn toàn ủng hộ dự án mở của Nhà hát Lớn cho các đoàn nghệ thuật để biểu diễn các tác phẩm có tính học thuật cao, điều này đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Còn thực hiện được đến đâu thì phải đầu tư rất nhiều chất xám chứ không chỉ đơn thuần hỗ trợ về kinh phí. Tôi quan niệm để có được một buổi diễn đông khán giả trước hết phải là chính sự hấp dẫn của chương trình bao gồm tác phẩm, tác giả và các nghệ sĩ tham gia biểu diễn. Nếu chúng ta biết quảng cáo, số lượng khán giả cũng sẽ tăng lên. Ở Macedonia, một số kênh truyền hình cả tư nhân và quốc gia đều cho phép dàn nhạc giao hưởng, nhà hát nhạc vũ kịch quảng cáo miễn phí cho các chương trình biểu diễn thường niên. Ở Việt Nam hiếm thấy dàn nhạc giao hưởng quốc gia được lên TV quảng cáo.
Người Hà Nội vẫn chưa có thói quen bỏ tiền mua vé, họ thích xin vé hơn. Anh từng bày tỏ “bán chứ không tặng vé”. Theo anh các cấp quản lý cũng như người làm nghệ thuật phải làm gì để khuyến khích khán giả móc túi mua vé?
Tôi thấy việc hỗ trợ tiền thuê rạp để giảm giá vé, lôi kéo khán giả có thể chỉ là cách giải quyết theo kiểu phần ngọn. Phần gốc là phải nâng cao mức thu nhập của các diễn viên, đầu tư chất xám hơn cho việc dàn dựng các tác phẩm mới, tăng kinh phí mời nghệ sĩ, chuyên gia quốc tế về Việt Nam cộng tác giao lưu nhằm nâng cao chất lượng của từng chương trình. Ở các thủ đô lớn trên thế giới người ta mua vé đi nghe hòa nhạc vì dàn nhạc, chỉ huy, nghệ sĩ độc tấu... chứ không phải để được vào ngắm kiến trúc đẹp của nhà hát và họ luôn có ý thức mua vé đi nghe từ trước cả một năm, chứ không xin. Đoàn nghệ thuật hay dàn nhạc cần phải xã hội hóa ở mức độ nào đó thì họ mới tích cực tự nuôi, không thụ động chờ bù lỗ. Các nhà tài trợ cũng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một đơn vị nghệ thuật.
Trong mắt mọi người anh là người chồng chu đáo, chung thủy, thích gia đình nề nếp truyền thống. Anh thấy đàn ông Việt Nam nói chung có bị hư hơn so với đàn ông tây?
Tôi không thích sự gia trưởng của đàn ông châu Á và người Việt nói chung. Tôi tôn trọng sự bình đẳng trong gia đình cũng như trong xã hội. Đàn ông ở đâu cũng như nhau, thích nhậu nhẹt, chém gió bên cốc bia nhưng chỉ có điều khác là đàn ông Việt “hư” vì họ có thể làm việc đó mỗi ngày không mệt mỏi thay vì chỉ vào cuối tuần.
Dự án âm nhạc tiếp theo mùa thu này của anh là gì?
Tôi đang bắt tay vào tập luyện cho một buổi biểu diễn tiếp theo ở Hà Nội ngày 10/9 với dàn nhạc của Học việc âm nhạc quốc gia. Sự kiện này nằm trong chuỗi kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau đó tôi bay về Macedonia để chuẩn bị cho đợt đi diễn đầu tháng 10 ở Phần Lan. Thế là hết một mùa thu.
Thế còn nguyện vọng không liên quan tới âm nhạc?
Tôi luôn có một nguyện vọng duy nhất thời gian qua là mong cho sức khỏe của bố mẹ của tôi được ổn định. Còn nguyện vọng cá nhân sắp tới của tôi là lên đời một chiếc máy ảnh mới cho phù hợp với những nhận thức mới về nhiếp ảnh mà tôi được bạn bè chỉ bảo, thay cho chiếc Leica đang dùng mấy năm nay rồi. Thật giản đơn phải không ạ?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét