Đêm nhạc diễn ra 30/9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội còn có những vị khách mời bí mật và chính tác giả cũng sẽ hát Ra ngõ gặp gái và Ra ngõ gặp mưa - hai sáng tác mới nằm trong chuỗi 50 đoản khúc Ra ngõ mà ông sắp hoàn thành.
Sắp sang tuổi 70, Trần Tiến tâm sự mình viết nhạc còn khỏe hơn xưa. Chưa kể ông còn có cuốn Ngẫu hứng Trần Tiến ra mắt vào chính đêm nhạc.
27 khúc ngẫu hứng văn xuôi sắp ra mắt của ông có phải là 27 chuyện tình?
Giá mà tôi có thể viết chuyện tình. Tôi yêu thiên nhiên, yêu biển, yêu đồng bào xung quanh, yêu cô hàng xóm hay đến quét nhà cho tôi. Yêu tất cả mọi người. Nhưng yêu riêng một người thì tôi đã lấy mất rồi. Sau đó không còn ai cả. Mà cũng không ai là căn cớ nguyên do cho tôi viết nhạc hay viết văn. 27 ngẫu hứng đó không dính gì đến tình yêu cả. Tôi không có ý định viết văn, nếu có ý định thì cũng không làm được nhà văn. Mỗi nghề có đặc thù riêng. Khó lắm. Giờ bảo tôi viết báo còn sợ nữa là.
Có cuốn này là hoàn toàn bất ngờ. 27 ngẫu hứng cộng thêm nhiều thứ nữa tôi viết thêm sau này hoàn toàn để phục vụ cho sự đòi hỏi của nhà văn Nguyễn Quang Lập khi anh muốn tìm hiểu về tôi, đề nghị tôi viết lý lịch trích ngang để làm một kịch bản 110 tập phim về đời tôi.
Rồi Lập đưa lên mạng, thì nhiều người gọi điện bảo nhạc sĩ viết văn hay thế. Nguyễn Trọng Tạo bảo “Ông này viết văn có vẻ sột soạt nhỉ…”. Tôi cứ thế viết tiếp. Lúc nào thật say, tôi ngồi vào máy tính gõ.
Lập giới thiệu cho First News, họ xuống tận Vũng Tàu kèm theo một cô gái xinh đẹp ôm thùng gì rất to. Đặt lên bàn thì hóa ra là một cái lẩu bò rừng. Thế rồi tôi ngồi uống rượu, thế rồi người ta đưa tờ giấy, tôi ký đại. Hóa ra tôi ký đồng ý xuất bản cái đó. Thế thôi.
Ông nói nghe Hà Trần hát như chính mình đang hát. Vậy ngoài Hà Trần, ông thấy ai hát nhạc của mình hay?
Tôi rất hạnh phúc khi lâu lâu có người hát bài của mình hay. Tôi phải công nhận trời cho tôi hơi quá mức quy định. Cho tôi nhiều người hát bài của tôi hay. Người hiện nay lâu lâu được nghe tôi vẫn thấy hay là Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Phạm Anh Khoa… Có những người hát bài của tôi rất hay mà tôi không nhớ được tên. Thời của tôi, tôi mê Sỹ Thanh hát hai bài của tôi hay lắm. Sỹ Thanh chết rồi, chỉ vì uống rượu. Một người chết vì bị bắn (trong một vụ án ghen tuông nức tiếng những năm 1980- PV) - cô Ngọc Anh hát Tùy hứng lý ngựa ô không còn ai hay hơn. Rồi Lâm Xuân, Thanh Lan. Cẩm Vân hát Giai điệu Tổ quốc. Anh Khoa hát Vết chân tròn trên cát. Ngọc Bích hát Tạm biệt chim én và Ngọn lửa cao nguyên khủng khiếp- cháy hết sân khấu giống Tùng Dương bây giờ. Những người có tố chất nghệ sĩ đích thực, không cần có tố chất giọng, chỉ cần có “tố chất tim”- lúc nào cũng thành ngọn lửa được. Những người đó hiếm lắm. Trên đời này tôi chỉ thấy có Quốc Hương, Trần Khánh là đốt sân khấu đúng nghĩa. Tôi mê lắm. Tùng Dương có được tố chất đốt sân khấu. Mari Linh đốt Hà Nội bằng Điệp khúc tình yêu- lần đầu tiên Hà Nội tiếp một cô vừa béo vừa xấu. Mà cô ấy hát không còn nhớ là cô ấy béo nữa. Siu Black không xấu, béo thôi, nhưng hát cũng làm cho người ta quên hình thể của mình. Đấy mới là tố chất nghệ sĩ.
Sắp tới bộ tứ Hà Nội (gồm Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ) có định làm đêm nhạc chung?
Thật ra chẳng có bộ tứ nào đâu. Chỉ là một tấm hình của thi sĩ Thụy Kha chụp bọn tôi trước khi vào nhậu. Thế là tự nhiên thành nhóm 4 người mà không biết ai giật tít “tứ quái” hồi đó, hay là chính hắn? Tôi chưa được đọc bài đó nhưng chính vì chữ đó, vì bài báo đó mỗi lần về Hà Nội chơi lại hú đúng 4 thằng gặp nhau. Mà gặp nhau có bàn gì về nghệ thuật đâu. Mấy thằng đàn ông già ấy mà, chả có chuyện gì nói, toàn nói chuyện lằng nhằng, chuyện mà mình không làm được. Thế thôi. Vừa rồi Dương Thụ bảo làm Hồi ức bộ tứ thì tôi OK. Những người chơi với nhau và cùng thế hệ với nhau như Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Ngọc Đại… đều cùng có tài ít ra như bọn này cả. Nhưng chơi thân nhất thì đúng là bốn thằng này. Bốn phong cách khác nhau. Làm chương trình cũng có lý.
Chương trình tới đây là liveshow thứ bao nhiêu của Trần Tiến rồi, ông có nhớ?
Khoảng bằng số ca khúc của tôi, 2-3 trăm. Có khi phải đến 5 trăm. Tôi có đếm bao giờ đâu. Từ hồi bắt đầu nổi tiếng vào thập niên 80, riêng mình tôi hát phải đến trăm buổi. Thời đó tôi hát còn được. Mời tôi dễ, vừa ngon vừa bổ vừa rẻ. Tôi lấy cat-xê ít nhất, chả quan tâm tiền bạc chỉ thích gặp công chúng, sinh viên, bộ đội…, nhất là giới trí thức. Có đêm tôi hát 33 bài cho giới trí thức ở Sài Gòn. Người ta có nghe tôi hát đâu. Nghe nói chuyện, nghe giai điệu. Người ta đâu cần hay. Nghe chính gốc tác phẩm qua biểu hiện của tác giả.
Khánh Ly mới đây quay trở lại hát cho sinh viên các trường đại học, còn Trần Tiến?
Tôi từ xưa vẫn hát cho sinh viên nhưng bây giờ sinh viên không muốn nghe tôi hát nữa thì làm sao, tôi tự nhiên đến hát à?! Phải có cô cậu nào đến mời, hoặc chúng nó tưởng tôi cat-xê cao lắm?! Ngày xưa tôi chưa nổi tiếng lắm, cứ được mời là lên hát thôi. Bồi dưỡng bao nhiêu thì bồi dưỡng, không thì tô phở, ly rượu là xong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét