Trương Tuần trong “Người thổi tù và hàng tổng”
Vai diễn ấn tượng đầu tiên của nghệ sĩ Hán Văn Tình phải kể đến là vai Trương Tuần trong phim “Người thổi tù và hàng tổng”. Dù chỉ là vai phụ bên cạnh Quốc Tuấn, Khánh Huyền nhưng nghệ sĩ Hán Văn Tình đã tạo ra chất riêng của mình.
Ông bước vào phim trong tạo hình là người nóng nảy, hay rượu chè, có tài trộm gà nhưng chân thật, tốt bụng và thương mẹ. Bên cạnh đó, nhân vật Tuần dành tình yêu chân thành, giản dị cho Lan- một cô gái đã có con. Cặp đôi này đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Cũng nhờ vai diễn Trương Tuần mà đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phát hiện ra Hán Văn Tình để mời ông vào phim "Đất và người".
Chu Văn Quềnh trong “Đất và người”
Cho đến tận sau này, người hâm mộ vẫn không quên câu thoại “Không thể hoãn sự sung sướng ấy lại” và một thời nó trở thành câu cửa miệng trong đời sống hằng ngày. Có lẽ, vai Chu Văn Quềnh vừa là thành công vừa là trở ngại với nghệ sĩ Hán Văn Tình.
Dù không phải là nhân vật chính nhưng vai diễn của Hán Văn Tình lại xuyên suốt cả bộ phim, được khán giả thích thú và dành sự quan tâm đặc biệt. Ông vào vai một anh nông dân chuyên làm nghề dao thớt, cỗ bàn trong làng, nghiện rượu và nhiều tật xấu nhưng Hán Văn Tình lại được khán giả yêu thích nhờ lối diễn xuất "diễn như không diễn" chân chất, mộc mạc, hài hước. Sau này, sự xuất hiện của nhân vật Tho khiến Chu Văn Quềnh bắt đầu thay đổi và phim diễn biến với nhiều tình tiết bất ngờ.
Ông chủ xóm trọ trong “Phía trước là bầu trời”
Vai ông chủ trọ khó tính và bủn xỉn trong bộ phim “Phía trước là bầu trời” cũng là một trong những vai diễn ghi dấu ấn của nghệ sĩ Hán Văn Tình. Đây là lần hiếm hoi, Hán Văn Tình hóa thân vào một vai diễn “phố xá”.
Khán giả chắc hẳn bức xúc khi chứng kiến cảnh Hán Văn Tình “ăn gian” của người thuê trọ vài số điện hay hét giá “trên trời” mỗi lần sinh viên sang gọi nhờ điện thoại… Vẫn lối diễn chân thực, sống động, nghệ sĩ Hán Văn Tình khiến người xem không thể quên, cũng không lẫn vào đâu được.
Ông Sở trong “Bão qua làng”
Góp mặt trong bộ phim chủ đề nông thôn thời kỳ đổi mới, nghệ sĩ Hán Văn Tình vào vai anh nông dân tập tành kinh doanh. Lần này, sự hài hước, nhiều chuyện và chút gian manh của nhân vật Sở giúp Hán Văn Tình gây ấn tượng mạnh.
Chẳng thế mà, hình tượng cái đầu trọc, hàng ria mép và nụ cười đầy thâm ý của ông khiến người xem liên tưởng những thói xấu của một bộ phận tiểu thương đam mê lợi ích tới mờ mắt.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình sinh năm 1957 tại Tam Nông, Phú Thọ. Ông bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ năm 1973. Năm 1977, Hán Văn Tình về công tác tại Đoàn Tuồng trung ương, nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nghệ sĩ Hán Văn Tình trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào lúc 11h20 trưa ngày 4/9.
Mới đây, diễn viên Trà My thông báo lễ viếng của nghệ sĩ Hán Văn Tình sẽ diễn ra từ 13h30 đến 15h30 ngày 7/9 (tức ngày 7/8 âm lịch) tại Nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội. Lễ hỏa táng diễn ra vào 17h30 phút cùng ngày tại Đài hoá thân Hoàn Vũ. Ngày 12/9, gia đình sẽ rước tro cốt của nghệ sĩ Hán Văn Tình về quê hương Tam Nông, Phú Thọ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét