Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

TPHCM - Đại đô thị của Việt Nam

Chương trình có chiếu phim ngắn khai mạc sự kiện. TS. Đỗ Phú Hưng, Trưởng khoa Quy hoạch Đô thị, ĐH Kiến trúc TPHCM và TS. Michael Waibel, Viện Địa lý, ĐH Hamburg, Đức là diễn giả. Cuốn sách như một sự lý giải về ngập lụt hiện nay, cũng như cảm nhận thay đổi và sự năng động của thành phố. Ấn phẩm là sách ảnh khổ lớn, 450 hình ảnh bằng song ngữ Anh - Việt.

Đọc tiếp »

Văn học cho trẻ nhỏ: Mảnh đất màu mỡ

Hoàng Phương ThúyHoàng Phương Thúy

"Văn học viết cho thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ, chưa nhiều người khai hoang” - Văn Thành Lê (tên thật Lê Văn Thành, đang công tác tại chi nhánh NXB Kim Đồng TPHCM) nhận xét. Anh cho rằng, người lớn vì nhiều lí do quên đọc sách, hoặc ít đọc, nhưng trẻ em thì không. Trẻ em cần sách, trong đó có sách văn học. Gần đây xuất hiện số tác giả trẻ quan tâm và bước đầu có tác phẩm được các em đón nhận. “Khi thấy cần thiết, phải viết ra thì mới mong từ trái tim chạm đến trái tim. Chứ gánh vác trách nhiệm và vai trò, e là sẽ ra một thứ văn… bao cấp” - Văn Thành Lê nói về vai trò của nhà văn đối với thiếu nhi.

Dịch giả tiếng Trung Trần Nhật Mỹ (SN 1986) và Hoàng Phương Thúy dịch giả tiếng Anh - Trung (SN 1989) khi được hỏi về văn học dịch đều tâm niệm: “Người dịch phải cố gắng để dịch không thành diệt”.

Văn học cho trẻ nhỏ: Mảnh đất màu mỡ - ảnh 1Văn Thành Lê.
Hoàng Phương Thúy nói: “Tôi yêu thích những cuốn sách giàu chất nhân văn, giúp mở rộng thế giới tri thức và cảm xúc người đọc. Những tư tưởng đẹp ấy cần được thể hiện qua văn phong xuất sắc. Còn về hình thức, tôi luôn hướng tới những cuốn sách đẹp, bìa và ruột được thiết kế đậm tính thẩm mỹ và sáng tạo”.

Dịch giả Trần Nhật Mỹ: “Có người nói, tác giả là mẹ ruột của tác phẩm, người dịch là mẹ nuôi chăm cơm đút cháo. Tôi thấy có chút gì đó khá đúng. Người dịch cần có sự ứng biến linh hoạt và sự nắm bắt cái hồn của nguyên tác”.

Văn học cho trẻ nhỏ: Mảnh đất màu mỡ - ảnh 2Nhật Mỹ.
Bàn về mảng dịch cho thiếu nhi hiện nay, Trần Nhật Mỹ cho rằng: “Sách cho trẻ em bây giờ muôn hình vạn trạng. Điều đáng tiếc là sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì nhiều nhưng dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài còn là khoảng trống. Tôi mong được thấy sách tiếng Việt được dịch sang tiếng nước ngoài”.

“Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giao lưu toàn cầu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thị trường sách thiếu nhi trong giai đoạn này cực kì phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức. Các bậc phụ huynh ngày nay coi việc tìm mua sách, đọc sách cùng con là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục”- Hoàng Phương Thúy nói.

Đọc tiếp »

Mình nói chuyện gì khi nói về tuổi già

Mơ ước, nỗi cơ đơn, sự sỡ hãi... của tuổi già được kể lại trong triển lãm Mơ ước, nỗi cơ đơn, sự sỡ hãi... của tuổi già được kể lại trong triển lãm "Chuyện tuổi già"
Chuyện tuổi già có gì vui

Đừng nghĩ chỉ tuổi trẻ mới mơ ước hoài bão. Ở tuổi gần đất xa trời, 17 trong số 33 nhân vật đến từ một viện dưỡng lão Hà Nội lần lượt nói về nỗi ước ao của họ. “Tôi muốn được có một chuyến du lịch nước ngoài”, bà Phạm Thị Thi, 74 tuổi, Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm nắn nót viết. Ông Nguyễn Văn Thanh, 66 tuổi ở Linh Đàm chỉ có một ước mơ có vợ con như bao người khác.
Mơ ước cũng là chủ đề đầu tiên khi người xem đến với triển lãm, để biết đến suy nghĩ của người cao tuổi từ những điều giản dị như “Được về quê đón một cái Tết cuối đời”, hay được có nhiều bạn bè tâm tình. Những người thực hiện kể, có cụ già không ai làm bạn đã đánh bạn với một con cún cưng tại trung tâm dưỡng lão.
Tâm sự tuổi già hé mở thế giới nội tâm với đủ cung bậc từ sợ hãi, cô đơn và trăn trở về quá khứ, hiện tại và phần nhiều đều hướng về con cái, gia đình của những người ở tuổi xưa nay hiếm.
Bà Lương Thị Thái, 79 tuổi ở Xuân La, Tây Hồ “thấy hoang mang, cô đơn và tủi thân lắm”. Góa chồng sớm, bà nuôi hai con trưởng thành nhưng 15 năm nay sống một mình vì con trai định cư ở nước ngoài, con gái lo phận làm dâu. Mấy năm trước mắc bệnh ung thu gan, con cháu cũng không thể ở bên chăm sóc. Cùng cảnh ngộ, bà Lương Thị Diệu, 70 tuổi ở Ba Đình mang tâm trạng đau xót vì phải nhìn đứa con trai sa ngã. “Mặc dù vậy nó là con, tôi vẫn thương vẫn nhớ. Có một ít tiền dưỡng già tôi sẽ để lại cho nó”, bà Diệu nói.

Cụ Hồ Tấn Thạch, 88 tuổi ở Gia Lâm xót xa vì con trai mất sớm, vợ mất mấy năm nay và cụ ở với con gái nhưng nhà cửa đi thuê, cuộc sống bấp bênh. Cảm giác không giúp được gì cho con giày vò cụ ông này.

Trong số 33 nhân vật được lựa chọn, có người nổi tiếng chia sẻ câu chuyện đời mình là NSND Trần Phương. Niềm tự hào của ông là các cháu “học cao hiểu rộng” cho nên nhiều khi thấy lúng túng khi ở bên cạnh con cháu. Ông chọn viện dưỡng lão như là Nơi cuộc sống mới bắt đầu. Chính viện dưỡng lão đã đưa ông gặp lại người bạn, diễn viên Tuệ Minh.

Mình nói chuyện gì khi nói về tuổi già - ảnh 1NSND Trần Phương gặp lại bạn trong viện dưỡng lão
Người mới đến trung tâm vài tháng nay, cụ Hồ Tấn Thạch có vẻ quyết tâm “ở đến cuối đời”. Ít ra chốn này ông cụ có nhiều người bầu bạn hơn, đó cũng là liều thuốc tinh thần cho những người bước vào tuổi trở lại sự mong manh, dễ tổn thương.
Không ngồi một chỗ chờ chăm sóc, các cụ tìm niềm vui ở những hoạt động đơn giản như nhặt đỗ, chuyền bóng, tô tượng. Có sức khỏe tốt như bà Đảm ở Thanh Hóa thì hăng hái trồng rau, nhổ cỏ. Họ tìm thấy niềm vui, sự rèn luyện thể chất và trí não trong những hoạt động như thế.
Vượt qua định kiến
Ông Nguyễn Văn Thanh kể, nhà bà Lai có điều kiện nên con cháu lưỡng lự không muốn để bà ở viện dưỡng lão. Chính bà là người thuyết phục con cái cho ở lại.
Mình nói chuyện gì khi nói về tuổi già - ảnh 2Một góc tâm sự người già
“Mẹ vợ tôi 90 tuổi, 12 con, 4 người ở nước ngoài, 2 người đã mất trong đó có vợ tôi. Con cháu đều bận nên đã đưa cụ vào trung tâm. Khi quyết định việc này chúng tôi phải vượt qua dư luận”, ông Lê Chí Thành, con rể cụ Nguyễn Thị Hải tâm sự. Từng thuê người giúp việc chăm sóc cụ nhưng gia đình không hài lòng, cho nên với họ tạo cho cụ điều kiện được chăm sóc ở nơi như thế mới là làm tròn chữ hiếu.

Đưa người già vào viện dưỡng lão là điều tất yếu ở nhiều nước phát triển, tuy nhiên lựa chọn này còn khá khó khăn với nhiều gia đình Việt Nam. Sợ mang tiếng bạc đãi bố mẹ, nhiều gia đình không dám bước qua định kiến ấy.

“Tôi có hai con trai nhưng tôi sẽ viết di chúc để sau này chúng nó khỏi mang tiếng là không nuôi bố mẹ”, bà Quản Thị Thu Nguyệt nói. Bà đang ở tuổi hưu, lo xa đến giai đoạn lẫn, sợ gây căng thẳng cho con cái nên sớm nghĩ tới giải pháp sẽ vào viện dưỡng lão.

Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ cũng giới thiệu 25 bức ảnh trong chủ đề “Vẻ đẹp không tuổi” của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Nhân vật chính là những người phụ nữ lớn tuổi ở Việt Nam.

Đọc tiếp »

Trịnh Tú: Thong thả vẽ và... yêu

Tranh của Trịnh cẩm nhi (trích đoạn)Tranh của Trịnh cẩm nhi (trích đoạn)

Trịnh Tú sợ làm bạn buồn. Cứ theo cách nghĩ dân gian anh xứng đáng xếp hạng giàu: “Giàu vì bạn”. Có thể gặp anh trong cuộc nhậu ở nhà riêng của Ngô Thảo. Cũng có thể gặp anh trong nhóm Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều… ở một triển lãm tranh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Trịnh Tú không nổi bật giữa đám đông, anh không thuộc hàng hoạt ngôn nhưng sự thong thả, an nhàn, phảng phất vẻ “quí tộc” ở Trịnh Tú khiến những người chưa biết gì về anh không khỏi tò mò.

Người ta nói Trịnh Tú may mắn, anh không phản đối: “Được là con của bố mẹ tôi, được cho ăn học đầy đủ đó là may mắn lớn”. Trịnh Tú là con nhà nòi, cha anh là họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997), sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu. Cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc từng mở một xưởng gỗ với máy móc nhập từ Pháp, được coi là nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Ông sinh được 12 người con, Trịnh Tú là con thứ 10.

Những người con của Trịnh Hữu Ngọc đều là những tên tuổi được khán giả yêu nghệ thuật biết đến: Họa sỹ, dịch giả Trịnh Lữ (tên thật Trịnh Hữu Tuấn), anh trai của Trịnh Tú. Nghệ sỹ Piano Trịnh Thị Nhàn, em gái của Trịnh Tú, hiện đang sống ở Pháp... Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc không truyền lại cho các con bí quyết làm giàu, thứ quí giá nhất ông để lại cho con chính là niềm đam mê với nghệ thuật: “Chúng tôi được sinh ra trong gia đình giàu có lúc ấy nhưng cha tôi luôn dạy chúng tôi biết quí từng cành cây, cọng cỏ. Ông thắp trong chúng tôi tình yêu nghệ thuật. Yêu nghệ thuật hơn yêu tiền bạc”.

Trịnh Tú rành tiếng Pháp. Có thể nói tiếng Pháp gần bằng tiếng Việt nhưng anh chưa bao giờ dịch sách, chỉ dùng tiếng Pháp để đọc sách, những cuốn sách anh thích. Anh cũng chơi được piano vì được cha cho học từ bé nhưng cũng không theo con đường trở thành nghệ sỹ piano chuyên nghiệp.

Trịnh Tú cũng thích viết, anh đã từng gắn bó 20 năm ở báo Lao Động, để viết bài, biên tập. Nhưng con đường đam mê lớn nhất, kéo dài từ thuở niên thiếu cho đến khi tóc bạc của anh vẫn là hội họa. Trong hội họa cũng như trong cuộc đời, Trịnh Tú luôn hướng về hai chữ: Bình yên. Cho dù có người nói bình yên quá đôi khi thành nhạt nhẽo.

Bài học từ cố giáo sư Tôn Thất Tùng

Trung Trung Đỉnh tổng kết về Trịnh Tú: “Giàu sáng tạo và… ham chơi”. Trịnh Tú cười, xác nhận vế sau đúng. Nhìn anh thong thả nhâm nhi cuộc đời, ít ai biết rằng Trịnh Tú cũng từng có biến cố lớn ở tuổi trưởng thành.

Đang học năm thứ 3, ĐH Mỹ thuật, ở khu sơ tán vào một ngày đẹp trời, anh cùng đám bạn phát hiện ra một nhà thờ nhỏ xinh gần đó, có một vị cha đạo hiền từ. Vị cha đạo một lần gọi anh đến nhờ sơn lại bức tường nhà thờ vì biết người trẻ tuổi đang học hội họa. Sẵn nguyên liệu trong tay, anh hồ hởi làm ngay, sơn lại bức tường đẹp đẽ. Vị cha đạo hài lòng, thưởng cho anh một đĩa xôi gà. Những tưởng sự việc êm xuôi, nào ngờ với quan điểm khắt khe ấu trĩ ngày đó, Trịnh Tú bị đuổi học.

“Tôi cố gắng tránh biến cố bằng sự nhún nhường và bao dung. Ở đời này, cứ lao vào cuộc đấu tranh hơn thua là mệt lắm. Làm được điều tốt nên làm, không làm điều xấu cho ai, không gây thù chuốc oán”.

Trở về nhà, anh không bị cha, họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, la mắng câu nào. Cha anh vốn thân thiết với giáo sư Tôn Thất Tùng. Biết Trịnh Tú vừa bị đuổi học, Tôn Thất Tùng nhận anh giúp việc cho ông. Tất cả những công trình của Tôn Thất Tùng hơn mười năm trước khi ông mất đều mang dấu ấn của Trịnh Tú.

Anh chính là người thực hiện toàn bộ minh họa cho sách của ông. Quá trình được giúp việc cho giáo sư nổi tiếng, đã giúp Trịnh Tú học được bài học lớn về lòng bao dung. Trong mỗi bước đường của cuộc sống, anh đã dùng lòng bao dung để giải mã vấn đề khó khăn, tìm được sự bình yên cho mình: “Tôi cố gắng tránh biến cố bằng sự nhún nhường và bao dung.

Ở đời này, cứ lao vào cuộc đấu tranh hơn thua là mệt lắm. Làm được điều tốt nên làm, không làm điều xấu cho ai, không gây thù chuốc oán”. Trịnh Tú được giáo sư Tôn Thất Tùng coi như con: “Không ngày nào ông không la tôi. Bởi vì tính ông nóng, bởi tính tôi thỉnh thoảng lại hay quên”. Họa sỹ rất vui vì năm ngoái anh vừa hoàn thành được việc lớn, xây lại mộ cho người cha thứ hai, giáo sư Tôn Thất Tùng: “Anh Bách (giáo sư Tôn Thất Bách, con trai giáo sư Tôn Thất Tùng - PV) đã mất, chỉ còn hai người con gái chân yếu tay mềm, tôi tự thấy mình phải đứng ra gánh vác việc này, vì gia đình đã coi tôi như con”.

Tranh lành như tính

Những năm gần đây, Trịnh Tú “sống gấp” với hội họa. Anh liên tục trình làng hai triển lãm cá nhân. Năm ngoái, anh giới thiệu đến những người yêu nghệ thuật ở Sài Gòn triển lãm: “Người mẫu và hoa”, tranh bán sạch. Năm kia, để chia tay cô con gái yêu sang Ý du học hội họa, anh làm triển lãm “Xúc cảm” ở một khách sạn nhỏ tại Hà Nội. Những triển lãm chung Trịnh Tú cũng tham gia tích cực.

Trịnh Tú tự nhận mình lành. Xem tranh anh cũng thấy điều đó. Anh dẫn tôi lên “cõi riêng” là xưởng họa. Diện tích xưởng không rộng nhưng ngập tràn nắng, gió bởi cửa sổ tứ phía. Những bức tranh hoàn thành hoặc sắp hoàn thành đang bày ngổn ngang. Khác với nhiều họa sỹ bây giờ hướng đến tranh khổ lớn, Trịnh Tú thích sinh nở những tác phẩm vừa phải về mặt kích thước. Anh cũng không dùng màu sắc chóe. Trong cuộc chơi màu, Trịnh Tú tỏ ra điềm đạm, dung dị.

Trịnh Tú: Thong thả vẽ và... yêu - ảnh 1

Một tác phẩm của Trịnh Tú.

Cũng như nhiều nam họa sỹ, anh không tránh khỏi niềm đam mê vẽ nude. Có lúc anh vẽ nude do hứng, lúc lại vẽ theo đơn đặt hàng. Có những phụ nữ không quản ngại đường sá xa xôi, bay ra Hà Nội để gửi gắm họa sỹ lưu lại “tòa thiên nhiên” trong kỳ đẹp đẽ. Chắc tại Trịnh Tú lành nên phái đẹp mới mạnh dạn “cởi mở”? Thế giới nude của Trịnh Tú không ồn ào cuộn sóng.

Những người đàn bà với vẻ đẹp hoặc viên mãn, hoặc nồng nàn, hoặc mong manh sương khói, đều không hề khiêu khích, họ khoe mình an nhiên như những đóa sen đầu hạ. Xem tranh Trịnh Tú, bất giác khiến tôi nhớ đến Thạch Lam trong văn chương.

Chẳng ồn ào, chẳng đình đám, Thạch Lam cứ hớp hồn người ta bằng cái sự tí tách, nhẹ nhàng. Giữa thế giới náo động với những sự kiện vui, buồn đan xen, tranh Trịnh Tú đưa người xem vào thế giới của bình yên. Vì thế chăng, nên giữa thị trường tranh đang ảm đạm chợ chiều, anh vẫn bán túc tắc?

Hỏi anh mong muốn gì trong những năm mùa thu cuộc đời? Họa sỹ ước: “Sẽ vẽ đẹp hơn, bởi tôi thấy tranh mình chưa đẹp”. Anh quí trọng nhiều họa sỹ trong nước nhưng người duy nhất ngưỡng mộ chính là cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc: “Cha dạy cho tôi về cách sống và ảnh hưởng lớn tới quan niệm hội họa của tôi”. Một ngày của Trịnh Tú luôn bắt đầu bằng vẽ và kết thúc cũng bằng vẽ. Chưa bao giờ anh thấy mình dồi dào năng lượng và khát khao sáng tạo như bây giờ.

Mỗi cuộc tình là một phần thưởng

Trịnh Tú đi qua hai lần đò, có hai người con gái. Anh không thấy mình thua thiệt vì giàu con gái: “Con nào chẳng là con”. Cô con gái lớn đang sống cùng vợ đầu ở Úc. Người con gái thứ hai, Trịnh Cẩm Nhi, đang theo học ở một trường hội họa danh tiếng và đắt đỏ ở Ý. Bức chân dung đẹp nhất về Trịnh Tú chính là bức chân dung do con gái Trịnh Cẩm Nhi vẽ: “Bởi vì nó yêu tôi nhất”.

Anh trân trọng những tình cảm đã đi qua trong đời. “Mỗi cuộc tình với tôi là một phần thưởng của trời đất”. Người vợ hiện tại kém anh gần hai con giáp, chị là “dân” văn phòng, không liên quan nghệ thuật: “Nàng rất lành”, anh nhận xét. Bí quyết để nuôi dưỡng hôn nhân 20 năm với người vợ trẻ chính là sự hài hước: “Mới dẫn nàng đi mua giày, người ta nhầm là bố - con, tôi cười bảo rằng: Chúng tôi là vợ chồng, vì sự nhầm lẫn này đề nghị cửa hàng giảm giá”.

Trịnh Tú là “tay” sành rượu, nhất là rượu vang. Anh mở một chai vang và giới thiệu: “Chai vang này đặc biệt, bởi nó sinh ra từ một lâu đài trồng nho nổi tiếng của Pháp vào một mùa nho ngon. Những câu chuyện về vang như kinh thánh, hay và phong phú vô cùng”. Anh lại tiếp tục “bài ca rượu vang”: “Chai vang này dịu dàng lắm. Lát nữa mới ngon. Vang cũng cần thời gian để thở, nên trước khi uống nên mở trước khoảng nửa tiếng để cồn trong chai bay đi”. Họa sỹ gợi ý lúc uống rượu vang nên nghe nhạc Chopin. Anh vừa nói thì âm thanh bất hủ của bản Concerto số 1 viết cho Piano và dàn nhạc của Chopin đã tràn ngập xưởng vẽ.


Đọc tiếp »

Nghệ thuật đa phương tiện - tây khen, ta “không hiểu”

Cảnh trong phim “Những lá thư Panduranga”.Cảnh trong phim “Những lá thư Panduranga”.

Sáng lập Hanoi DOCLAB, trung tâm độc lập dành cho phim tài liệu từ năm 2009 đến nay, Trinh Thi hy vọng có sự chuyển biến dù nhỏ đến cách tiếp cận vấn đề của học viên và lượng khán giả ít ỏi. Mỗi khóa học trung tâm chỉ tuyển khoảng 10 người, phòng chiếu chỉ với gần 100 chỗ ngồi. Ngoài hướng dẫn làm phim ngắn, cái khó nhất “gần như phải đánh vật” là tạo được cách tư duy thể hiện cho cá nhân sáng tạo, nữ nghệ sĩ thổ lộ.

Phim tái chế

Nguyễn Trinh Thi là người đầu tiên từ năm 2010 - qua tác phẩm video giới thiệu cho khán giả Việt về thể loại phim tái chế found-footage “ Bài ca ra trận”, “Jo Ha Kyu” “Việt Nam, một bộ phim”, “Mười một người đàn ông” và thể loại phim thư như “Những lá thư Panduranga” .

Hoàn thành cuối năm 2015, “Mười một người đàn ông” lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Eleven Sons” của Franz Kafka. Video 35 phút là những mảnh ghép từ 11 bộ phim có sự tham gia của diễn viên Như Quỳnh đóng cặp với 11 người đàn ông. Người xem sẽ có những cảm nhận khác nhau về phụ nữ, đàn ông, về tình yêu trong từng giai đoạn của đất nước.

“Những lá thư Panduranga” (Trong Khói và Mây) kể về việc trao đổi thư bí mật giữa hai người bạn cùng là nhà làm phim. Bộ phim lấy cảm hứng từ việc chính phủ có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước ở Ninh Thuận (trước đây gọi là Panduranga), ngay tại vùng đất tâm linh của người dân bản địa Chăm. Tác phẩm thể loại phim thư đã giúp Nguyễn Trinh Thi giành được Giải Nghệ sĩ Mới Xuất sắc nhất Sử dụng Digital/Video tại giải thưởng Prudential Eye Awards 2016.

Nhà làm phim chia sẻ: “Động lực của tôi khi làm phim tái chế vừa là để vun giữ, vừa để cởi mở, vừa để lật ngược cách ứng dụng ngôn ngữ và mỹ học trong các dạng thức khác biệt của điện ảnh và truyền thông. Ấy cũng là để kể lại, ngẫm lại, phân tích lại, và kết nối lại với lịch sử”.

Xem video quên thưởng thức múa

Khác hẳn với hình dung của đa phần khán giả rằng clip chỉ có chức năng minh họa cho các tiết mục ca (múa nhạc…), sắp đặt video của Trinh Thi trong vở “Những tiệm giặt là Hà Nội” vừa có sự gắn kết cùng ý tưởng, vũ đạo của Riki von Falken, vừa là tác phẩm độc lập của nghệ sĩ đa phương tiện.

Năm màn hình phía trên và sau sân khấu mở ra những góc nhỏ cuộc sống của Hà Nội. Phiên chợ đêm, bãi sông Hồng, xưởng trộn than bùn, người phụ nữ nội trợ hồi tưởng quá khứ, người đàn ông ngồi giũa liềm trên ruộng lúa… Nguyễn Trinh Thi sưu tầm phim, các cảnh quay, tự kết hợp dãy hình ảnh và âm thanh theo góc nhìn riêng. Nữ nghệ sỹ kể những mẩu chuyện nhẩn nha mà dường như Riki lại là người múa minh họa và lắng nghe. Biến tấu âm thanh không bình thường của John Cage đưa khán giả vào chuyến đi lãng mạn tại Hà Nội.

Người xem hầu như quên xem Riki múa, hiệu ứng thị giác của năm màn hình video cuốn hút họ hơn. Cũng có người than khó xem “nặng và nhiều ẩn dụ”.

Sau sáu năm lao động nghệ thuật sắp đặt video, Trinh Thi không chắc lắm về việc “khán giả Việt đã tò mò hơn chưa với thể loại này”. “Tôi chỉ có cơ hội một vài lần trình chiếu tác phẩm tại Nhà sàn Collective và khán phòng viện Goethe (HN) cho một phạm vi khán giả nhỏ hẹp”. Không chỉ Trinh Thi, đa số dân “đương đại” và “thể nghiệm” đều là nhóm nghệ sĩ ít ỏi, quen biết nhau thỉnh thoảng tụ lại khoe sản phẩm mới theo kiểu tự bình luận, “tự sướng”.

Nghệ thuật đa phương tiện - tây khen, ta “không hiểu” - ảnh 1

Sắp đặt Video “Không phụ đề” được chú ý tại nhiều nước.

Hai tuần trước Liên hoan “Sự gặp gỡ Á-Âu 2016”, vở “Những tiệm giặt là HN” vừa ra mắt tại Berlin. Tác phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình tại Đức. Nói như một nhà phê bình, những sáng tác phong phú của Trinh Thi liên tục nghiên cứu vai trò của trí nhớ trong những bí mật lịch sử bị ẩn giấu.

Làm sao đây với “chả hiểu gì!”?

Lý giải tình trạng yếm thế của nghệ sĩ đương đại, Trinh Thi cho rằng do sự thiếu hổng từ môi trường giáo dục. Ngay tại hai trường sát sườn đào tạo nghệ sĩ là Đại học Sân khấu Điện ảnh và Đại học Mỹ thuật, chương trình vẫn cổ như mấy chục năm trước đây. Không có giáo trình nào cho nghệ thuật, phim ảnh thử nghiệm. Chức năng của nghệ sĩ nhẽ ra phải đi đầu, khai phá cái mới về quan điểm cũng như thẩm mỹ, đằng này đa số phải mầy mò, nghe ngóng từ nước ngoài.

Bị kiểm duyệt gắt gao, bị mặc định “khó hiểu” và “thông điệp không rõ ràng”, hầu như sản phẩm của nghệ sĩ đương đại khó tiếp cận khán giả đại trà.

Video sắp đặt “Không phụ đề” đã từng được người bình chọn quốc tế đánh giá cao thì nhiều khán giả Việt xem qua Youtube nói “chả hiểu gì”, “sao mọi người cứ nhai nhồm nhoàm hoài thế?”. Có người tỏ ra biết hình ảnh từng nhân vật đang ăn theo cách của mình là “thông điệp nào đó” nhưng nhìn chung họ thận trọng và không sẵn sàng mua vé xem món nghệ thuật “lập dị” này.

Nghệ thuật đa phương tiện - tây khen, ta “không hiểu” - ảnh 2

Nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi.

Trinh Thi từng gây bất ngờ với sắp đặt video “Que Faire” (Làm gì đây). Mười sáu nhân vật dàn hàng ngang cởi bỏ quần áo, từng cái một cho đến hết. Mỗi người cởi một cách, với thái độ khác nhau. Đa số mọi người khỏa thân đều quay lưng lại máy quay, chỉ có ba người dám tiến lại ống kính nhưng hai trong số họ vẫn lấy tay che. Tác phẩm đã một lần chiếu thăm dò tại Manzi café nhưng phải cất đi vì “độ nhạy cảm”. Người kiểm duyệt và Youtube chẳng cần biết đến ý nghĩa khám phá ẩn ức cá nhân khi trần trụi trước ánh đèn, cứ khỏa thân là bị cấm cái đã.

Cũng do không thấu hiểu mà truyền thông báo chí chưa hỗ trợ được nhiều. Đa số phóng viên quan tâm đến các chương trình bề nổi thị trường giải trí. Họ thấy ngại viết những vấn đề trúc trắc, khó câu view. Ngay cả dân phê bình cũng thiếu chuyên môn về mọi xu hướng nghệ thuật mới, Trinh Thi bày tỏ.

Cùng với phim tái chế, loạt sắp đặt video “Không phụ đề” , “Dàn hợp xướng Solo”của Trinh Thi từng được mời tham gia Jeu de Paume, Paris; Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bordeaux (CAPC); Lyon Biennale 2015; Asian Art Biennial 2015, Đài Loan; Fukuoka Asian Art Triennial 2014 và Singapore Biennale 2013.

Về dự án sắp tới, nhà làm phim cho biết có nhiều ý tưởng nhen nhóm nhưng chưa thể chia sẻ. Hình như chị phải giữ bí mật để đảm bảo độ bất ngờ khi ra mắt.

Đọc tiếp »

Trải nghiệm dở khóc dở cười diễn cải lương kinh dị

Nghệ sĩ Minh Hải lần đầu vừa hát vừa biểu diễn rối.Nghệ sĩ Minh Hải lần đầu vừa hát vừa biểu diễn rối.

Lần đầu tiên diễn… cải lương kinh dị

Vở diễn “Ngạ quỷ” thuộc thể loại giả tưởng kết hợp hư cấu lịch sử. Sự kiện thứ nhất là chuyện về vụ án tru di tam tộc nhà họ Triệu vào thời Xuân thu - Trung Quốc. Sự kiện thứ hai là câu chuyện hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần, vào nửa cuối thế kỷ XIV.

Sợi dây liên kết hai khối sự kiện trên là linh hồn quỷ dữ nhập vào các con rối. Vở diễn đưa ra thông điệp giải thích về bản chất của cái ác.

NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó GĐ Nhà hát cải lương, đạo diễn vở “Ngạ quỷ” thú nhận, đây là lần đầu tiên nhà hát dựng một vở cải lương có yếu tố liêu trai, thần thoại. “Khi nhận vai, không ít nghệ sĩ bỡ ngỡ và lúng túng. Tuy nhiên, khi đã quen, mọi người đều công nhận đây là một trải nghiệm tuyệt vời”.

Kịch bản mới mẻ nên đạo diễn cũng không ngại ngần thử nghiệm nhiều cái mới trên sân khấu. Không chỉ vậy, phục trang cũng được mô phỏng không theo nguyên bản trong triều đại phong kiến mà được thực hiện với phong cách biểu trưng nhằm phá vỡ mọi khuôn mẫu của hiện thực.

Người xem không thể không ấn tượng đến mức ám ảnh với nụ cười khanh khách ma quái của nghệ sĩ Minh Hải trên sân khấu. Được giao vai vua Nhật Lễ, Hải rất phấn khởi vì đây là vai chính đầu tiên của anh. Nhưng cũng là áp lực vì đây là vai diễn đa nhân cách, lúc quỷ lúc người. Trong khi, cả ở ngoài đời lẫn trên sân khấu, Hải vẫn quen với hình ảnh hiền lành, lương thiện.

Đảm nhận một trong những vai “khó nhằn” nhất của vở diễn, một lúc nghệ sĩ Văn Đáng phải diễn cả 3 vai: khi vào vai chính Dương Khương, khi làm con rối ác, thoắt cái lại phải làm con rối thiện. Vai diễn khiến anh phải thay đổi động tác, giọng nói, sắc mặt liên tục. Văn Đáng chia sẻ, nhận kịch bản càng đọc mới càng thấy “ảo” vô cùng. Dù đã có tuổi nghề 12 năm nhưng với cường độ tập luyện dày đặc, căng thẳng, đôi khi Văn Đáng rơi vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”.

Trải nghiệm dở khóc dở cười diễn cải lương kinh dị - ảnh 1

Vở diễn đầy chất liêu trai, ma quái

Cái khó ở vở diễn này là các nghệ sĩ đều phải hòa mình trong một không gian đầy liêu trai, ma mị để hóa thân vào những trạng thái quỷ ám, xác lìa hồn… Từ đạo diễn đến diễn viên đều phải… tự tưởng tượng và tham khảo nhiều nguồn. Nếu như đạo diễn Trung Kiên nghiền ngẫm những bộ phim kinh dị của Mỹ, nghệ sĩ Minh Hải đọc nhiều sách Phật, thì nghệ sĩ Văn Đáng lấy chất liệu từ một lần đi… gọi hồn cùng gia đình.

Vừa hát vừa diễn rối

Điều đặc biệt nhất ở vở cải lương “Ngạ quỷ” là sự kết hợp đầu tiên giữa hai loại hình nghệ thuật cải lương và múa rối. Những con rối bị quỷ ám. Nghệ sĩ Văn Đáng kể, nửa tháng đầu, chưa có con rối, cả nhóm tập chay hoàn toàn bằng tưởng tượng. Có con rối rồi lại càng khó hơn vì chưa biết điều khiển các khớp tay, cử động cơ thể, chỉ trỏ, đưa chân… như thế nào cho nhịp nhàng với các điệu hát.

Các nghệ sĩ cải lương được các nghệ sĩ múa rối sang hướng dẫn nhưng vẫn không tránh khỏi lúng túng, vụng về. “Từ trước đến nay, lên sân khấu chỉ việc hát, vung tay, đưa chân nhịp nhàng với lời hát. Nay, vừa hát vừa phải múa rối nên nhiều khi cứ mải hát thì quên diễn rối, mải tập trung diễn thì lại quên lời. Nói chuyện với con rối cũng là thách thức, bởi phải xem nó như một con người chứ không phải là vật vô tri vô giác” - Minh Hải chia sẻ.

Trải nghiệm dở khóc dở cười diễn cải lương kinh dị - ảnh 2

Nghệ sĩ Văn Đáng một lúc phải diễn cả 3 vai=

Chỉ đến khi vở diễn nhận được những tràng pháo tay khen ngợi, các nghệ sĩ của “Ngạ quỷ” mới thực sự nhẹ nhõm. Được dàn dựng gấp rút trong hơn 1 tháng, đây là một trong những vở diễn “căng” nhất của nhà hát. Các nghệ sĩ phải tăng tốc độ tối đa, đều đặn hàng ngày tập luyện 3- 4 ca và thường xuyên trở về nhà lúc 1-2h sáng.

Để có được những cảnh diễn rối đẹp mắt trên sân khấu, không thể không nhắc đến công lao của các nghệ sĩ múa rối, những người đã giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, đồng thời cũng góp mặt trong vở diễn khi hỗ trợ điều khiển con rối to nhất. Nghệ sĩ Thanh Tùng (Nhà hát Múa rối Trung ương) chia sẻ, đây cũng là lần đầu tiên anh diễn rối trên sâu khấu cải lương.

Các nghệ sĩ cải lương áp lực bao nhiêu thì bản thân anh cũng… hoảng bấy nhiêu: “Hai nghệ sĩ múa rối điều khiển một con rối to theo lời hát, hành động của một nghệ sĩ cải lương thực sự rất khó. Chúng tôi phải thu lời hát, thu lời thoại của nghệ sĩ cải lương, rồi quay lại hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, các động tác đưa tay, đưa chân… để theo cho chuẩn. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng vô cùng thử thách đối với nghệ sỹ múa rối”.

Sau thành công ban đầu, lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam tự tin mang vở diễn đi tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2016 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào tháng 11 tới đây.

"Nhiều hôm về nhà, tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người bị điên. Hay đang đêm không ngủ được vì lo quá, tôi lại tỉnh dậy lấy thú bông của con ra vung tay vung chân tập diễn rối một mình”- Nghệ sĩ Văn Đáng.

Đọc tiếp »

Cầu nối từ 25 năm dịch, viết

Ở thời buổi kỹ thuật số, báo điện tử và các trang mạng xã hội tràn lan như hiện nay, phải là người dũng cảm và kiên trì lắm mới có thể đọc hết được từng ấy trang sách in. Thế mà dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự vẫn cho ra đời hai tập sách dày cộp cùng một lúc. Chắc lẽ ông phải có cái lý của mình. Theo tôi, đây là một cố gắng trên mức bình thường, nếu không muốn nói là phi thường.

Trong suốt 25 năm miệt mài, làm việc cật lực như một “phu chữ”, dịch giả Lê Bá Thự, một người học đại học, làm thạc sĩ tại Ba Lan rồi làm đến Bí thứ thứ nhất đại sứ quán ta tại nước này, đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm văn học dịch đồ sộ, gồm 26 đầu sách giá trị (nhiều đầu sách được tái bản) - tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười và thơ của nền văn học Ba Lan.

Như vậy, bình quân mỗi năm ông có hơn một đầu sách dịch. Bên cạnh đó ông còn là tác giả của hai tập thơ Hoa giẻ và Đi về ngày xưa. Trong hai tập sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết xuất bản lần này, có hàng chục bài giới thiệu, bình luận của chính dịch giả nhà thơ và của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hồng Diệu, Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Văn Giá, Văn Đắc, Trịnh Thanh Sơn, Lê Tuấn Lộc, Đỗ Ngọc Yên, Vi Thuỳ Linh, vv…

Ngoài ra ông còn có nhiều bài viết, tham luận về văn học dịch, chân dung các nhà văn Ba Lan, hàng loạt bài bút ký… Bên cạnh đó là 101 truyện cười đặc sắc, 6 truyện ngắn hay, trên 20 bài thơ dịch của ba nhà thơ lớn Ba Lan (trong đó có hai nhà thơ được giải Nobel), và 47 bài thơ trong tập thơ Đi về ngày xưa ( được gọi là “sách trong sách”).

Phần lớn những tác phẩm văn chương Ba Lan mà ông chọn để dịch ra tiếng Việt đều là những cuốn sách giá trị, được các nhà bình luận văn học đánh giá cao, được bạn đọc Ba Lan mến mộ. Và qua các bản dịch của ông, chúng cũng cuốn hút được độc giả Việt Nam.

Lê Bá Thự đã “chọn đúng và chọn trúng” tác phẩm để dịch, đã “dịch đúng và dịch hay” theo tiêu chí dịch thuật của ông. Lê Bá Thự nói “Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Cái khổ của người dịch là ở đó. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó.

Tác giả viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì và đề tài gì thì người dịch cũng dịch đúng và dịch hay”. Có thể nói ông là một trong số những dịch giả Việt Nam có lượng đầu sách dịch lớn và có chất lượng. Ghi nhận công lao đóng góp của Lê Bá Thự, Tổng thống Ba Lan đã tặng thưởng Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan cho ông.

Lê Bá Thự cho rằng, “dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên bản (bản gốc) bằng ngôn ngữ khác”. Làm việc theo quan niệm như vậy ông đã gặt hái được khá nhiều thành công. Bản dịch tiểu thuyết Hy vọng của Lê Bá Thự đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng văn học năm 2014.

Trước đó ông cũng đã được nhận nhiều phần thưởng khác như: Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch tiểu thuyết Quà của Chúa (năm 2010); tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2004, 2008) cho những truyện dịch hay nhất năm đã in trong tạp chí này; giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999- 2000); giải thưởng cuộc thi viết của báo Tiền Phong (2002)…

Ngoài dịch thuật, mảng chủ công, Lê Bá Thự còn là một nhà thơ. Hai tập thơ: Hoa giẻ (2002) và Đi về ngày xưa (2016) tuy ra đời vào hai thời điểm cách xa nhau, nhưng cảm hứng xuyên suốt của hai tập thơ vẫn là tình cảm quê hương, những kỷ niệm buồn vui nhưng rất trong sáng, hồn nhiên của một thời trai trẻ.

Hầu hết các bài thơ trong hai tập thơ này đều rất đời thường, mộc mạc mà man mác (nhận xét của nhà thơ Bằng Việt). Với tôi, thơ của Lê Bá Thự là một hành trình đi tìm lại những gì đã mất trong quá vãng. Cái ngày xưa ấy đối với nhà thơ lúc nào cũng ám ảnh sự trinh nguyên, tinh khiết và thánh thiện đến lạ kỳ.

Đọc hai tập sách khá đồ sộ Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết người đọc có cơ hội tìm hiểu những thành tựu dịch thuật và sáng tác của ông trên chặng đường văn chương 25 năm qua, cho dù chưa được đọc hết 28 tác phẩm đã in của ông. 25 năm dịch và viết của dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự cũng là 25 năm làm cầu nối: Cầu nối trên lối đi về đi tìm lại những gì một đi không trở lại của tuổi thơ hồn hậu yêu thương và quan trọng hơn là góp phần làm chiếc cầu nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam- Ba Lan.

_____________

(*). Lê Bá Thự: 25 năm dịch và viết. Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2016.

Đọc tiếp »