Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Phạm Thiên Thư - “mối tình” văn xuôi nở muộn


Phạm Thiên Thư bắt đầu xuất bản thơ vào cuối những năm 1960 ở Sài Gòn. Tên tuổi của ông thực sự nổi lên nhờ các bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc như Em lễ chùa này, Ngày Xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng... Tuy vậy, ít ai biết Phạm Thiên Thư đã khởi nghiệp chính bằng văn xuôi từ rất lâu, rồi ông lại bỏ đó để đắm mình vào thơ.

Nhà thơ kể: “Năm 1968, một nhà văn khi đó đang lo bài vở cho một tạp chí văn học nổi tiếng đã đến trường Đại học Vạn Hạnh, nơi tôi đang học, để gặp tôi hỏi xem có gì đăng không. Tôi rất bất ngờ, cảm động và cũng e ngại nữa. Vì tôi mới bước vào nghề văn thơ…!”. Nhà thơ Phạm Thiên Thư trước đó tham gia nhiều hoạt động yêu nước, bị chính quyền cũ nghi ngờ làm cách mạng nên ông ẩn dật trong chùa, xuống tóc làm sư. Ông đưa truyện ngắn “Ôi, cây cỏ thu”. Sau đó, truyện ngắn ấy được đăng.

Kể từ ngày in xong truyện ngắn đầu tay, Phạm Thiên Thư lao vào viết thơ. Ông xuất bản rất nhiều tập thơ từ thơ tình đến “Từ điển cười” (24.000 bài tứ tuyệt tiếu liệu pháp). Năm 2007, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục là người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ. Như ông tâm sự thì tác phẩm của ông hiện tổng cộng khoảng 400.000 câu thơ.

Giờ đây, cầm trong tay tập văn xuôi đầu tiên, mỏng vỏn vẹn có 110 trang, với 12 truyện, được ông viết từ năm 1968 tới nay, thi sĩ nói: “Tôi như có một món nợ lớn với văn xuôi mà không trả được. Nay thì đã khác”.

Phạm Thiên Thư - “mối tình” văn xuôi nở muộn - ảnh 1Phạm Thiên Thư với tác phẩm văn xuôi đầu tiên của mình. Ảnh: T.N.A
Trong “Lời tác giả” in đầu cuốn “Bạn cũ”, nhà thơ thổ lộ: “Những bài văn xuôi này ngẫu nhiên như những câu chuyện ký ức mà tôi còn tìm thấy được từ những trang bản thảo không bị thất lạc và tôi muốn chia sẻ với quý bạn hữu và độc giả”.

Văn xuôi với thi sĩ Phạm Thiên Thư như một “dấu lặng”, một phút tịnh tâm giữa công việc làm thơ mà rất hiếm khi có được. Ông kể lại việc viết văn xuôi lúc nửa đêm như sau: “Bây giờ đúng ba giờ đêm. Mỗi vị sư là một thế giới tĩnh mịch, mà mỗi gian phòng là những cảnh giới vũ trụ riêng biệt. Quý thầy ngủ yên ấm như một bóng trăng hiền từ trong giọt sương” (truyện “Ngã pháp mây nổi”). Những khi ấy, tác giả ngồi và viết thật nhanh, rồi… để đó, rồi lại làm thơ.

Đọc tập truyện đầu tay của nhà thơ đã ở tuổi gần 80, người ta có thể thấy một Phạm Thiên Thư nhìn đời với con mắt nhiều tìm tòi khám phá với bao điều mới lạ quanh cuộc sống giản dị của mình. Tác giả tâm sự: “Tôi học hỏi được rất nhiều từ các vị sáng tác tiền bối, bạn bè. Mỗi người thường giúp đỡ và động viên tôi viết lách một cách tế nhị”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét