Lần đầu tiên diễn… cải lương kinh dị
Vở diễn “Ngạ quỷ” thuộc thể loại giả tưởng kết hợp hư cấu lịch sử. Sự kiện thứ nhất là chuyện về vụ án tru di tam tộc nhà họ Triệu vào thời Xuân thu - Trung Quốc. Sự kiện thứ hai là câu chuyện hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần, vào nửa cuối thế kỷ XIV.
Sợi dây liên kết hai khối sự kiện trên là linh hồn quỷ dữ nhập vào các con rối. Vở diễn đưa ra thông điệp giải thích về bản chất của cái ác.
NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó GĐ Nhà hát cải lương, đạo diễn vở “Ngạ quỷ” thú nhận, đây là lần đầu tiên nhà hát dựng một vở cải lương có yếu tố liêu trai, thần thoại. “Khi nhận vai, không ít nghệ sĩ bỡ ngỡ và lúng túng. Tuy nhiên, khi đã quen, mọi người đều công nhận đây là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Kịch bản mới mẻ nên đạo diễn cũng không ngại ngần thử nghiệm nhiều cái mới trên sân khấu. Không chỉ vậy, phục trang cũng được mô phỏng không theo nguyên bản trong triều đại phong kiến mà được thực hiện với phong cách biểu trưng nhằm phá vỡ mọi khuôn mẫu của hiện thực.
Người xem không thể không ấn tượng đến mức ám ảnh với nụ cười khanh khách ma quái của nghệ sĩ Minh Hải trên sân khấu. Được giao vai vua Nhật Lễ, Hải rất phấn khởi vì đây là vai chính đầu tiên của anh. Nhưng cũng là áp lực vì đây là vai diễn đa nhân cách, lúc quỷ lúc người. Trong khi, cả ở ngoài đời lẫn trên sân khấu, Hải vẫn quen với hình ảnh hiền lành, lương thiện.
Đảm nhận một trong những vai “khó nhằn” nhất của vở diễn, một lúc nghệ sĩ Văn Đáng phải diễn cả 3 vai: khi vào vai chính Dương Khương, khi làm con rối ác, thoắt cái lại phải làm con rối thiện. Vai diễn khiến anh phải thay đổi động tác, giọng nói, sắc mặt liên tục. Văn Đáng chia sẻ, nhận kịch bản càng đọc mới càng thấy “ảo” vô cùng. Dù đã có tuổi nghề 12 năm nhưng với cường độ tập luyện dày đặc, căng thẳng, đôi khi Văn Đáng rơi vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”.
Vở diễn đầy chất liêu trai, ma quái
Vừa hát vừa diễn rối
Điều đặc biệt nhất ở vở cải lương “Ngạ quỷ” là sự kết hợp đầu tiên giữa hai loại hình nghệ thuật cải lương và múa rối. Những con rối bị quỷ ám. Nghệ sĩ Văn Đáng kể, nửa tháng đầu, chưa có con rối, cả nhóm tập chay hoàn toàn bằng tưởng tượng. Có con rối rồi lại càng khó hơn vì chưa biết điều khiển các khớp tay, cử động cơ thể, chỉ trỏ, đưa chân… như thế nào cho nhịp nhàng với các điệu hát.
Các nghệ sĩ cải lương được các nghệ sĩ múa rối sang hướng dẫn nhưng vẫn không tránh khỏi lúng túng, vụng về. “Từ trước đến nay, lên sân khấu chỉ việc hát, vung tay, đưa chân nhịp nhàng với lời hát. Nay, vừa hát vừa phải múa rối nên nhiều khi cứ mải hát thì quên diễn rối, mải tập trung diễn thì lại quên lời. Nói chuyện với con rối cũng là thách thức, bởi phải xem nó như một con người chứ không phải là vật vô tri vô giác” - Minh Hải chia sẻ.
Nghệ sĩ Văn Đáng một lúc phải diễn cả 3 vai=
Để có được những cảnh diễn rối đẹp mắt trên sân khấu, không thể không nhắc đến công lao của các nghệ sĩ múa rối, những người đã giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, đồng thời cũng góp mặt trong vở diễn khi hỗ trợ điều khiển con rối to nhất. Nghệ sĩ Thanh Tùng (Nhà hát Múa rối Trung ương) chia sẻ, đây cũng là lần đầu tiên anh diễn rối trên sâu khấu cải lương.
Các nghệ sĩ cải lương áp lực bao nhiêu thì bản thân anh cũng… hoảng bấy nhiêu: “Hai nghệ sĩ múa rối điều khiển một con rối to theo lời hát, hành động của một nghệ sĩ cải lương thực sự rất khó. Chúng tôi phải thu lời hát, thu lời thoại của nghệ sĩ cải lương, rồi quay lại hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, các động tác đưa tay, đưa chân… để theo cho chuẩn. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng vô cùng thử thách đối với nghệ sỹ múa rối”.
Sau thành công ban đầu, lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam tự tin mang vở diễn đi tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2016 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào tháng 11 tới đây.
"Nhiều hôm về nhà, tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người bị điên. Hay đang đêm không ngủ được vì lo quá, tôi lại tỉnh dậy lấy thú bông của con ra vung tay vung chân tập diễn rối một mình”- Nghệ sĩ Văn Đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét