Lần đầu lão đến cửa hàng nhà tôi trong bộ dạng nhợt nhạt vì đói lả dưới cái nắng gay gắt của những ngày nắng nóng đỉnh điểm trong năm. Phải nói tôi cũng chẳng phải người hào phóng gì cho lắm khi công việc kinh doanh ế ẩm mà vẫn phải nuôi cả nhà với đủ thứ cần đến tiền, nhất là bố tôi lại đang phải nằm viện. Nhưng trong cái tình cảnh lão thều thào, run run đưa cái bát nhựa khô khốc, cáu xỉn và gần như sắp ngất trước cửa quán thì tôi không nỡ đuổi lão. Tôi đưa cơm nước xong, lão định đi luôn nhưng tôi thấy ái ngại nếu để lão ra đường vào lúc quá trưa nắng nóng như thế này, nên bảo lão cứ ngồi đây mà ăn cho mát đã. Bởi lúc này quán cũng chả có khách. Lão cũng biết ý nên lầm lũi đi ra một góc ngồi ăn để đỡ ảnh hưởng nếu như có khách vào. Tôi bật quạt rồi để lão ăn tự nhiên. Vì nếu hỏi chuyện hay nhìn lão ăn thì sợ lão lại ngại, dù tôi biết đã đi ăn mày thì còn gì mà ngại hay xấu hổ.
Bình thường thì tôi thấy người ăn mày nào cũng có dáng vẻ, điệu bộ khổ sở đáng thương giống nhau. Nhưng ngoài những điều ấy, tôi thấy đôi mắt đượm vẻ ưu buồn của lão có gì đó u uất, có gì đó phẫn nộ mà cũng có gì đó thản nhiên, bất cần. Tôi không phải là nhà nhân tướng học nên có thể đấy là những gì tôi tưởng tượng ra mỗi lần nhìn lão cắm cúi ăn, hoặc khi bắt gặp lão ngẩng lên vừa nhai vừa nhìn những con ruồi đang bu lại như muốn tranh phần thức ăn của lão. Lão mặc nhiên để lũ ruồi bu lại. Có lẽ lão hiểu rằng nếu có cố xua đuổi thì cũng vô ích và tốn sức với lũ ruồi vốn bản tính không sợ cái gì mà có thể đậu vào bất cứ đâu chúng thích dù là bẩn thỉu hay sạch sẽ. Thì cũng chính tôi đây cũng nhiều lần bực mình khi cái tính tự nhiên của ruồi khi mà chúng vừa đậu ở cái chỗ thùng rác xong đã có thể bu lại chỗ thức ăn bày bán của tôi. Ấy là chưa kể lần có con đậu thẳng vào mép tôi như thể chúng muốn có thêm vị môi của một phụ nữ cho bữa ăn của chúng được thỏa thích hơn. Là tôi bực mình vì lũ ruồi mà nghĩ chúng có một số đặc tính khôn như người, chứ giá chúng mà như người, hay người mà như chúng thì có lẽ phải xem lại sự tiến hóa. Mải lan man suy nghĩ nên đến khi lão ăn mày đứng dậy chào và cảm ơn tôi mới biết. Dù lão đã được ăn no và nghỉ ngơi, dù cũng không muốn giữ lão ngồi lại nữa nhưng nhìn lão bước đi thất thểu dưới cái nắng hầm hập bốc lên từ mặt đường nhựa khiến tôi cũng thấy tội nghiệp cho lão. Chắc lão sẽ kiếm được một chỗ gốc cây hay bóng mát nào đó để mà nghỉ?
Tôi sẽ quên hoặc cũng chả có gì để nói nếu như không gặp lại lão. Lão cũng đâu phải người ăn xin duy nhất đến cửa hàng của tôi. Dù không thường xuyên và phải rất lâu sau mới thấy lão quay lại nhưng lần nào lão đến cửa hàng tôi cũng vào lúc quá trưa hoặc quá chiều với cái bộ dạng đói lả như sắp ngất khiến tôi cũng không đành lòng mà đuổi. Sau vài lần như thế tôi mới bắt chuyện hỏi thăm lão. Lúc đầu hỏi vợ con thì lão bảo “vợ chết, con đi tù hết rồi”, hỏi ở đâu thì lão nói: “Vẫn gầm trời này mà. Chỉ khác là tôi không thể sinh sống, hay ăn mày ở nơi tôi đã sinh ra”. Thì đương nhiên lý do ấy là hợp lý, rất thuyết phục. Dù là hoàn cảnh thế nào thì mấy ai đủ can đảm mà bỏ liêm sỉ để đi ăn mày ở ngay nơi mình sinh sống đâu? Dường như trả lời như thế là lão đã chuẩn bị sẵn cho câu hỏi tiếp theo rằng vì sao chết, vì sao đi tù. Còn lý do thì thiếu gì; hàng ngày báo chí vẫn đưa tin về những cái chết với đủ các nguyên nhân từ bất ngờ, đau thương đến lãng xẹt, rồi thì bao nhiêu các án tù cũng chả kém phần bi hài khiến người ta phải giật mình, ái ngại. Vậy nên tôi cũng không hỏi thêm nữa. Nhưng cái cách trả lời quê quán của lão khiến tôi thấy lão cũng không phải bình thường.
Vì thế mà một lần tôi mời lão chén rượu. Đoán biết nếu hỏi trước chắc chắn lão sẽ từ chối nên tôi rót rượu mang mời lão. Quả đúng là lão từ chối. Sau thấy tôi mời nhiệt tình và đã rót ra rồi nên lão cũng uống. Rồi lão bảo: “Tôi vốn cũng thuộc loại uống được rượu, nhưng thực sự kẻ ăn mày đâu dám mơ sẽ được mời rượu. Chị là người đầu tiên mời kẻ ăn mày này uống rượu, và dù sau này có ai mời nữa thì tôi cũng sẽ từ chối. Chị có tin tôi là người giàu lắm không, mấy đứa con toàn làm quan cả đấy”. Lão mỉm cười một cách rất bình thản khiến tôi tò mò, lại càng thấy lão không bình thường. Chắc lão mơ ước hay tự huyễn hoặc mình để cho cái đời ăn mày của mình bớt buồn tủi hơn? Hay lão muốn kiếm câu chuyện làm quà để có cớ đến xin ăn? Mà nếu giàu thật thì chắc lão bị dở hơi mới đi ăn xin, ấy là chưa kể chả con cái nào làm “quan” mà lại để bố như thế? Lão này đúng là tâm lý không bình thường. Chả biết thực hư thế nào nhưng câu chuyện của lão khiến tôi khó mà thờ ơ được.
* * *
Tôi là một kẻ thất thế chị ạ. Tôi từng là một người có chức có quyền hẳn hoi nhé. Với chức vụ của tôi, bổng lộc rất nhiều. Người ta vẫn thường đến nhà tôi để nhờ vả, kèm theo những món quà hậu hĩnh. Ban đầu tôi không hề muốn nhận, nhưng họ cứ làm khó tôi, năn nỉ tôi. Mà cái kiểu nhờ vả như thế thì tôi cũng phải phiền đến các sếp của tôi, nếu tôi không có quà cho các sếp thì cũng nhờ sao được. Và tôi biết nếu tôi không nhận giúp thì họ cũng sẽ có cửa khác có khi lại mất nhiều tiền hơn. Rồi dần dần tôi nhận nó một cách tự nhiên, với ý nghĩ: như thế cũng là giúp người ta đấy.
Khà khà, rượu của chị ngon quá! Hay tại lâu ngày mới được uống nên thấy ngon? Rượu nó là thứ có thể giúp người ta thăng hoa, nhưng cũng khiến cho người ta tàn tạ, cũng có khi thăng thiên luôn. Chị đừng nhìn tôi như thế! Chị không thấy rất nhiều người chết vì rượu đó à? Tôi chả phải tài cán gì. Một chút khéo léo, một chút chịu đựng, một chút này nọ là được cất nhắc, rồi cứ thế mà lên theo thời. Tôi biết chị rất ngạc nhiên. Cũng phải thôi. Tôi là gã ăn mày mà.
Chà! Ngày xưa khi còn đương chức, tôi được say sưa không biết bao nhiêu là cuộc rượu, rượu mời mọc, rượu nhờ vả, rượu nịnh nọt… với đủ các loại rượu xịn. Rượu giúp tôi lên voi, rượu lại làm tôi xuống chó đấy chị ạ! Hẳn là chị thắc mắc lắm. Hẳn là chị không tin tôi đâu!? Hà hà! Chà! Hôm nay sao mà oi bức thế!?
Tôi là một kẻ vô liêm, bỉ ổi chị ạ! Tôi đã sống không xứng đáng! Những người đi trước tôi đã ngã xuống cùng với ước mơ, lý tưởng, hoài bão đầy đẹp đẽ và mãnh liệt. Ai cũng muốn thực hiện được nó khi chiến tranh kết thúc. Tôi cũng muốn như vậy. Tôi đã may mắn sống sót qua chiến tranh. Tôi đã nghĩ mình phải sống thay họ những người đã ngã xuống, thực hiện thay họ những ước mơ, lý tưởng của tuổi thanh xuân bị chiến tranh cướp đi. Tôi tưởng mình đã làm được khi giúp được một số người đạt được ước nguyện. Nên tôi đã rất vui!
Nhưng mà không. Tôi đã không dám đấu tranh vì chính nghĩa chị ạ. Vì tôi thường chỉ biết im lặng, vì sợ lụy đến mình. Và chính sự im lặng cũng giúp tôi thăng tiến đấy. Vớ vẩn phải không chị? Tôi đã bị cuốn vào guồng danh lợi quá sâu. Chỉ biết rằng ban đầu là biếu xén nhau chút quà để bày tỏ tình cảm, sự biết ơn. Ban đầu cái sự nhận quà, rồi tiền ấy còn ngượng nghịu, e dè. Rồi chẳng hiểu tôi vào cái guồng quay đó khi nào. Nó trở nên tự nhiên, rồi thành một “luật lệ” phổ biến khi nào!? Thì đấy, chị chả vừa bảo phải “chạy” cho đứa con đi làm đó còn gì!? Tôi thì “chạy” cho những việc béo bở hơn cơ, và giá nó cao hơn nhiều. Ồ! Chị lại mỉm cười! Tôi hiểu cái cười khẩy của chị. Tôi là kẻ ăn mày mà!
Nhà chị kinh doanh thế này chắc chỉ đủ ăn thôi nhỉ? Tôi biết để giàu được người ta thường phải có những mánh khóe, chiêu trò, có khi bất chấp mọi thứ vì lợi nhuận. Uy tín, trách nhiệm ư? Đạo đức, lương tâm ư? Người ta có thể khoác lên mình những màu áo đẹp đẽ. Nhưng nó có là gì đối với những kẻ chỉ cần cái lợi cho mình!? Chắc chị cũng biết cách làm việc của họ rồi nhỉ? Ồ! Chị mới sắm cái gương to thế? Trời ơi! Là tôi đây sao? Bao nhiêu năm rồi tôi mới lại soi được cái mặt mình. Đúng ra tôi không dám soi mặt mình. Ngày xưa tôi có tiền và đã nghĩ mình có khuôn mặt đẹp. Nhưng rồi, công lý vẫn là công lý. Tôi bị phát hiện những tội lỗi. Tôi đã vào tù và nay thành kẻ ăn mày nhục nhã. Trời! Cái mặt tôi đã bị đồng tiền làm cho xấu xí, khổ sở, đáng thương thế này ư? Có lẽ tôi bị quả báo chị ạ. “Đúng là giời có mắt!” Đấy, những người dân quê tôi vẫn nói về tôi như thế đấy. Chà! Trời chuyển lạnh nhanh quá chị nhỉ?
Sau này khi đã phải đi ăn mày, tôi mới đủ thời gian để hiểu rằng hóa ra cái số tôi là kiếp ăn mày từ lâu rồi chị ạ. Chẳng phải là người ta đã bố thí cho tôi khi mang quà cáp, tiền vàng đến nhờ vả đấy sao? Họ biết ơn tôi ư? Có thể!? Vì tôi đã giúp cho họ có được những công việc mà nhiều người mơ ước, những vị trí quan trọng, oai phong mà nhiều kẻ phải tỏ ra kính trọng, dù muốn hay không. Nhưng tôi biết khi người ta đã phải chịu “vứt” cho tôi những món tiền để nhờ vả thì cái sự biết ơn ấy có lẽ sẽ tỉ lệ nghịch với số tiền họ bỏ ra.
Tôi đã sợ đồng tiền rồi chị ạ! Buồn cười phải không? Dở hơi chị nhỉ? Tiền người ta cho tôi đều để lại. Tôi chỉ cần xin ăn thôi, tôi đã sợ tiền rồi nên quyết không muốn đụng đến tiền nữa. Bí bách lắm tôi mới dùng để mua đồ ăn, còn thì tôi cho lại những người tàn tật mà không xin được. Chắc chị chả tin kẻ ăn mày này đâu!?
* * *
Nghe xong câu chuyện của lão, tôi cũng chả biết có nên tin hay không. Vì dù sao đây cũng chỉ là câu chuyện của kẻ ăn mày tình cờ gặp được trong một ngày ít khách.
Lần cuối lão đến và đưa cho tôi mảnh giấy có vẽ sơ đồ nơi cất tiền tại một dự án đang làm dở bị bỏ hoang đã lâu. Lão bảo chỗ giấu tiền rất kĩ và đảm bảo không ai biết trừ khi người ta tiếp tục thi công dự án đó thì có thể sẽ làm lộ ra. Lão nói lão sắp phải đi xa?! Và lão lắp bắp rằng lão tin tôi là người tốt… Lão nói nhờ tôi đem số tiền đó làm từ thiện.
Thoại tự sự không phải là một kiểu dễ viết. Làm sao để người ta hiểu được mạch chuyện và thông điệp muốn chuyển tải, ngôn ngữ lại phải đúng kiểu nhân vật. Nhiều người đụng phải lối viết này lập tức sa vào căng cứng, nhân vật nói mà như “đài” nói. Trần Đức Hiển đã làm chủ được tình huống. Nhân vật người ăn xin có thân phận kỳ lạ của anh đứng vững, sinh động.L.A.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét