Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Gì cũng cười

“Anh hãy về đi, anh hãy về đi, anh tới đòi quà chứ gì”; “Em cần gì thì anh sẽ chi: Một chiếc Au-đì, một túi Eo-vì…”; “Em không cần gì, miễn là anh đừng có bồ nhí…”.

Lí do dùng chiêu đọc rap thô thiển được người trong cuộc lí giải: “Mong muốn cách biến tấu trẻ trung này sẽ nhận được sự ủng hộ của những người trẻ…”.

Không chỉ có “Chuyện tình Lan và Điệp” bị biến thành trò cười, tác phẩm cải lương kinh điển “Đời cô Lựu” cũng được đưa vào “Hội ngộ danh hài”, Trấn Thành (trong vai anh thợ bạc) đã “tán” NSND Ngọc Giàu (trong vai ô-sin): “Anh là thợ bạc. Anh đi ngao du khắp chốn chưa thấy người phụ nữ nào có nét đẹp hội tụ như em. Thịt, cá, trứng, sữa nằm trong em hết đó em ơi. Em là tháp dinh dưỡng bao béo phì đó em”.

Không khó để trích dẫn những tác phẩm kinh điển hoặc đi cùng năm tháng được chế biến để gây cười. Người ta chẳng còn lạ khi “Hò kéo pháo” có nhiều phiên bản tục, “Hành quân xa” được chế thành “Đời bia ôm”, dân ca “Giận mà thương” niềm tự hào của xứ Nghệ bị bôi bác “Bẩn thì bẩn mà hôi càng hôi”… Nếu chỉ loanh quanh truyền miệng trong bàn bia, quán nhậu cũng đã là đáng nói, đằng này với sự phát triển của mạng xã hội, mảnh đất “chế” bỗng nhiên được cơi nới thành màu mỡ, gây tổn thương cho tác giả, tác phẩm và những khán thính giả đích thực.

Nguy hiểm hơn, đến cả ca khúc thiếu nhi giờ cũng được người lớn “chế” để dạy trẻ con cho dễ thuộc. Nào là “Đi lang thang trong sân, bắt con gà, ướp tiêu hành, ăn xong lăn quay ra, chết tui rùi, cúm gia cầm…”. Hay là: “Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo, cô thương cháu vì có ba đón về, ba đón về là về nhà cô giáo…”.

Vừa kịp giật mình khi Quốc ca bị chế thành “Cen ca”, do tổng giám đốc một công ty khu vực phía Nam bắt nhịp để hàng trăm nhân viên công ty này hát, mới đây người ta lại thấy nghi thức Đội bị biến tấu thành “Nghi thức Đội phiên bản phố sàn”. Không còn gì để nói.

Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, trong loạt bài nghị luận “Xét tật mình” đăng trên Đông Dương Tạp chí, năm 1914, đã chỉ ra những thói hư tật xấu của người Việt, một trong số đó là: Gì cũng cười. Ông viết: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang… Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác, có cái láo xược khinh người, có câu chửi người ta…”. Cái bệnh “gì cũng cười” sau gần 100 năm hình như càng phát triển?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét