Công trình kiến trúc độc đáo trong Hoàng thành thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới.
Hội thảo tập trung bàn về phát huy giá trị 5 di sản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận và một số di sản khác của Cố đô Huế.
Công trình kiến trúc độc đáo trong Hoàng thành thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới.
Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sau khi chiến tranh kết thúc (năm 1975), kho tàng di sản văn hóa của Cố đô Huế bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng. Khu vực Tử Cấm thành gần như bị xóa sổ, Hoàng thành Huế chỉ còn lại 62 công trình, so với 136 công trình kiến trúc nguyên thủy. Khu vực Kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Các lăng tẩm hầu hết đều xuống cấp, thấm dột ở những mức độ khác nhau… Tuy nhiên, bằng sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, chính quyền địa phương, đến nay đã có khoảng 130 công trình lớn nhỏ thuộc di tích Cố đô Huế đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn và không ngừng phát huy giá trị.
Nếu năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế được vinh danh vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO, thì đến năm 2016, tại Cố đô Huế đã có thêm 4 di sản tiếp tục được UNESCO vinh danh. “Có thể nói, Huế là một thành phố di sản với 5 di sản thế giới, được UNESCO vinh danh, đó là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế”, ông Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nêu ý kiến tại hội thảo.
Kim ấn, kim sách (ấn vàng, sách vàng) thời nhà Nguyễn – tài sản vô giá của quốc gia Tương tự, GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nhận xét: “Không có ở các di sản khác của Việt Nam và cũng hiếm thấy ở các nước trên thế giới, trong một khu di sản - Quần thể di tích Cố đô Huế - lại được UNESCO ghi danh 5 danh hiệu cao quý”. GS Tiêu cho rằng, đây là một kho tàng đồ sộ và vô giá về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, hàm chứa những giá trị nổi bật toàn cầu về di sản văn hoá; là nguồn tư liệu gốc, độc bản chứa đựng thông tin phong phú về lịch sử, địa lý, tư tưởng, chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp chế, triết học, giáo dục, văn hoá nghệ thuật… của triều Nguyễn. Còn tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thì bày tỏ tự hào: “Ngày nay, Huế là nơi có số lượng di sản văn hóa hàng đầu của Việt Nam, là địa phương đầu tiên của nước ta được UNESCO vinh danh các di sản văn hóa, bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu”.
Nhiều ý kiến cho rằng, di tích Cố đô Huế phục hồi, tạo được sức sống và không ngừng phát huy giá trị như hôm nay có vai trò rất lớn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. “Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là mô hình tổ chức quản lý thành công nhất so với các Di sản thế giới khác ở Việt Nam, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và yêu cầu của UNESCO đối với di sản được ghi danh là di sản thế giới”, GS-TSKH Lưu Trần Tiêu đánh giá. Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế), từ sự trợ giúp về kỹ thuật và tiền bạc của quốc gia và quốc tế, chính Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cứu vãn và phát huy được nhiều công trình di tích có ý nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét