Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Trên dải Chín Khe

Minh họa: Thiên Thư.Minh họa: Thiên Thư.

Vào những đêm đen quánh, một đốm sáng to như một ngọn đèn màu xanh lam xuất hiện và bay là là trên dãy Chín Khe, hệt như một người khổng lồ xách đèn đi dạo trên sườn núi, bao giờ đếm đủ chín khe núi thì tắt ngúm. Tôi trân trân nhìn cái đốm sáng xanh đó bay trên núi trong rất nhiều đêm ngồi dưới hiên nhà. Bao giờ, cùng với sự xuất hiện của nó là những tiếng hú dài thê thiết từ núi vọng xuống. Không rùng rợn, không liên tục, đôi khi chỉ như ở đâu đó xa xôi được gửi đến nhờ những cơn gió thổi lồng lộng trên đỉnh núi. Đó có phải là ma không? Cha bảo: Đó là Ngọc Lam thần nữ dạo chơi. Có cả một ngôi miếu nhỏ thờ bà ta trên núi. Tôi lại hỏi cha: Sao thần nữ dạo chơi mà phải phát ra những tiếng hú não nề như thế để làm gì? Cha không trả lời.

Tôi tốt nghiệp cấp ba, cha bảo đừng đi học đại học, ở nhà cùng cha làm kinh tế, bằng biếc chả tích sự gì, vì cha nhất định không bỏ một đồng chạy việc đâu.

Để có việc cho thằng con đang tuổi bẻ gãy sừng trâu làm, cha lệnh cho cả nhà bán hết đất, rồi chở vật liệu tre gỗ vào thung lũng Chín Khe. Cả làng bảo ông điên rồi, khéo lại giống Uyển điên, bạn đồng ngũ với ông năm nào. Thung lũng Chín Khe hoang vu cô lẻ, trước nay chỉ là bãi chăn thả mùa đông của dân quanh vùng. Mùa đông, người ta lùa hàng đàn trâu bò vào thung lũng, dựng lều ăn ngủ trông chúng cho đến khi gieo cấy vụ xuân mới lùa về. Chẳng ai có ý định đem cả gia đình đến sinh cơ lập nghiệp ở đó cả.

Tôi hay đứng trước nhà ngắm dãy núi trước mặt. Triệu triệu năm về trước, nơi này có thể là biển xanh, cũng có thể là một dòng sông, hay một hoang mạc bằng phẳng. Một ngày nọ, trong cơn đau quặn thắt của kỳ sinh nở, bà mẹ trái đất đã cuộn trồi. Rồi từ cơn đau sinh sôi ấy, dãy núi hiện lên sừng sững…Bao đời, những người trong làng của tôi, hay những người ở tận nơi nào đó đã đánh dấu sự hiện diện của họ bằng việc đốt cỏ và gieo xuống bên sườn núi những nương ngô sắn xanh mướt. Suốt dải núi bên này không ai quản, ai có sức thì mở nương rẫy nhà mình rộng hơn. Đôi lúc tôi muốn được trèo lên đỉnh cao nhất của dãy Chín Khe và nhìn sang bên kia dãy núi, nhưng chưa lần nào thử. Chỉ có lão Uyển, lão nói đã từng đi suốt dọc dãy Chín Khe. Gọi là dọc núi, nhưng cũng phải hơn chục cây số chứ chẳng đùa.

Lão Uyển là người đầu tiên trong làng đưa cả gia đình lên núi. Lên núi, chứ không phải sống trong thung lũng yên bình này.

2. Hai mươi năm sau, trang trại Chín Khe bời bời hoa màu ngô đậu. Tôi dựng một dãy nhà sàn kiểu Thái, rồi liên kết với một người bạn cùng làng - kẻ đã khấm khá nhờ mở công ty du lịch - dắt các mối khách thích du lịch sinh thái. Khách thường lưu lại một, hai ngày trước khi tiếp tục chuyến du hí trên tuyến đường Bắc – Nam, ăn ngủ một đêm giữa thung lũng ảo mờ mát lạnh hơi sương. Họ thường hỏi tôi trên núi có gì, nhưng chưa bao giờ có ý định làm một chuyến leo núi khám phá.

Cô gái này là cô gái thứ một nghìn lẻ nào đó, tôi không thể nhớ được, đã đến trại Chín Khe, đã ăn bữa cơm tối và đang ngủ lại.

Đêm đen, trời không trăng sao, Chín Khe phả hơi lạnh như ngàn năm vẫn thế. Tôi ngồi tựa vào cột nhà, nhìn núi. Tôi đợi, dù không biến sự đợi chờ thành một thói quen, nhưng tôi vẫn đợi. Đã lâu rồi tôi không còn thấy Ngọc Lam thần nữ xách ngọn đèn ngọc lam đi dạo, và cũng đã lâu rồi không còn nghe thấy những tiếng hú dài não nề từ trên núi vọng xuống theo những cơn gió. Những người già nhất trong làng bảo rằng xưa nay Chín Khe chỉ toàn cỏ cây, chim sóc, chưa từng xuất hiện các loài thú dữ, kể cả bộ linh trưởng. Nếu núi có thú dữ, thì gia đình Uyển điên đã bị chúng làm thịt lâu rồi. Nếu có khỉ, vượn, thì chúng cũng chẳng để cho gia đình Uyển điên được yên. Hoặc gia đình Uyển điên sẽ chẳng để chúng được yên. Nhưng, trước ngày Uyển điên đem vợ con lên núi, chưa từng ai nghe thấy những tiếng hú não nề…

Lâu rồi không thấy Ngọc Lam thần nữ, cũng lâu rồi tôi không gặp Cần. Tôi nhớ Cần, nhớ tấm thân bé nhỏ thường run bần bật trong vòng tay vạm vỡ của tôi. Hai mươi năm qua, Cần vẫn sống trên núi, cùng cha mẹ và những người chị gái. Lâu rồi, ngoài Cần, tôi chưa gặp vợ chồng lão Uyển. Có lẽ họ đã quá già để xuống núi. Còn những người chị gái của Cần, tôi không nhớ mặt. Đúng ra, tôi chưa gặp họ lần nào. Tôi chỉ nghe nói và hình dung về họ.

Huuuu… Những tiếng u u dài, não nề thảng thốt vọng lại. Tôi ngồi dậy, căng mắt nhìn lên núi. Từ trong sâu thẳm đen tối của núi đêm, một chấm sáng xanh lam long lanh bay là là. Ngọc Lam thần nữ có phải đang dạo chơi trên lãnh địa của mình.

3. “Hôm qua em nghe thấy có tiếng vượn hú, nghe buồn thế. Núi này còn vượn hả anh?”.

Cô gái cầm một bông bồ công anh vàng hái được trên đường đi dạo sớm và tựa lưng vào cột nhà hỏi tôi. Tôi không biết trả lời cô sao. Nhưng dường như quên rất nhanh câu hỏi đó, cô lập tức hỏi câu khác.

“Lên đó có khó không anh? Em muốn đi lên đó”.

“Đó”, theo tay cô chỉ, là dải núi gồ lên, giữa hai khe thứ bảy và thứ tám. Đó là sườn núi đẹp nhất, không hề có loài cây nào khác ngoài cỏ tranh trải mướt như lớp lông mềm mại trên tấm lưng của một con mèo khổng lồ đang chuồi lên trời xanh. Cỏ tranh ở sườn này chỉ cao ngang bụng người lớn, mùa hoa cỏ chín, sườn núi trắng xốp như bông. Đó cũng là nơi có ngôi miếu nhỏ thờ Ngọc Lam thần nữ.

“Trông gần thế thôi, nhưng cũng phải mất cả tiếng đi bộ. Mà trông vậy nhưng khó đi lắm. Lá cỏ tranh cứa đứt da đứt thịt chứ chẳng chơi”.

Tôi vừa trả lời vừa hăm dọa cô gái. Triền núi đó quá đẹp, để ít nhất ai trông thấy cũng một lần muốn được trèo lên đó.

Tôi chưa từng men theo các con đường mòn vắt ngang các sườn núi để đi từ khe đầu tiên cho đến khe thứ chín của dải Chín Khe trước mặt. Cần bảo chín khe nước đó là chín con rồng ngậm ngọc. Chúng là chín con rồng của Ngọc Hoàng, vì phạm tội mà bị giam ở trần gian, làm nhiệm vụ giữ ngọc thần. Vạn vạn năm đã trôi qua, Ngọc Hoàng mải mê tiên cảnh, đã bỏ quên chín con rồng phạm tội ngày nào. Để bây giờ, chúng vẫn nằm đó âm thầm ngậm ngọc, mơ một ngày kia lại được về trời.

Tôi không thích câu chuyện của Cần. Thế còn Ngọc Lam thần nữ mà không biết ai đó đã dựng một ngôi miếu trên sườn núi ấy để thờ? Bà ta là ai, mà sao cứ lặng lẽ mang ngọc đi trong những đêm thiêng tối trời? Tôi đã nhiều lần đứng dưới thung lũng nhìn lên sườn cỏ tranh xanh mướt ấy, thấy mờ xa ngôi miếu lúc ẩn lúc hiện trong cỏ lau nghiêng theo gió. Và tôi thấy Cần, một cô gái nhỏ gầy gò ở đó. Cha tôi bảo miếu thiêng lắm, đừng bao giờ đến gần.

Một hôm, Uyển điên xuất hiện trong ngôi nhà mới dựng của chúng tôi. Ông ta trông như một người rừng, già hàng trăm tuổi. Ngồi bên hai sọt măng tươi từ trên núi xuống, và người đàn bà rầu rĩ, ông ta nhìn tôi cười. Đôi mắt sáng lạ thường, vừa ấm áp, vừa buồn thương.

Dải Chín Khe có chín dải núi gồ lên. Mỗi dải mọc tự nhiên một loại cây khác nhau. Nành hanh, nứa, có dải chỉ toàn ổi rừng, mùa ổi chín thơm lựng trong gió. Có dải toàn bưởi rừng. Mùa xuân, hoa bưởi trắng mờ như sương khói, hương cũng thơm ngát. Bưởi rừng chín vàng lúc lỉu trên cành, nhưng không ai ăn được, vì rất đắng. Có dải mọc toàn cây dại lúp xúp, chẳng để làm gì ngoài màu xanh yên ả. Những dải khác phần lớn bị người ta đốt trụi để trồng nương. Mùa đốt nương, sườn núi bùng bùng cháy, hơi nóng và tàn tro bay tả tơi trong gió. Uyển điên chỉ tay lên dải núi xanh thẫm, âm u nhất, nơi chỉ có bưởi rừng mọc, bảo nhà ông ở đó.

4. “Tại sao núi này lại tên là Chín Khe hả anh?”.

“Vì nó có chín khe”.

Tôi kể thêm rằng đó là chín con rồng bị Ngọc Hoàng giáng tội, đang ngậm ngọc đợi ngày về trời, vì Ngọc Hoàng đã trót mải vui quên mất chúng, nên lẽ ra chúng đã hết hạn đày đọa lâu rồi.

Tôi không thích truyền thuyết đó của Cần, nhưng vẫn dùng nó để trả lời các du khách của tôi. Nhiều người tủm tỉm cười, nhiều người vẻ trầm tư. Còn cô gái này, cô ta cười khanh khách: Em chả tin. Ở đời này, cái quái gì người ta cũng ví với rồng. Nơi quái nào cũng tự dệt cho mình truyền thuyết.

Tôi im lặng. Cô gái cũng im lặng. Cốc trà trong tay cô cạn trơ. Tôi định rót thêm, cô ngăn lại, hướng mắt lên dải cỏ tranh hoa đã chín trắng phau phau:

“Em muốn đến đó”.

“Chiều nay trời đổi gió, rét lắm. Cô lên đó sẽ chết rét”.

Hai mươi năm trước, lần đầu tiên trèo lên dải cỏ tranh, tôi ôm Cần nằm trên những bông cỏ tranh trắng muốt. Tôi hai mươi, Cần mười bảy. Cần bé nhỏ và run bần bật dưới bụng tôi. Dưới nắng vàng mùa thu, thân thể Cần tỏa hơi mát lạnh. Bên trong Cần cũng mát lạnh. Cạnh chúng tôi, cách vài bước là ngôi miếu nhỏ thờ Ngọc Lam thần nữ gió lùa hun hút. Trong miếu không có gì ngoài một tảng đá phẳng, đặt một bát hương, mà chân hương đã bạc phếch, phai hết màu phẩm đỏ. Lâu rồi chẳng có ai hương khói, và thực ra, tôi cũng chưa từng trông thấy người hương khói ở miếu này.

Tôi xin cha cho tôi cưới Cần. Cha không phản đối, nhưng trông ông đầy vẻ thảng thốt, trầm tư. Vẻ mặt của ông, bỗng nhiên làm tôi đau lòng. Tôi chưa từng đau lòng vì điều gì. Tôi sinh ra và lớn lên bình lặng, không có gì để đau lòng hết. Cha chưa hề nói lời phản đối ý định hôn nhân của tôi, mà sao tôi lại thấy đau lòng.

Uyển điên là bạn đồng niên của cha tôi. Mười bảy tuổi, ông ta lấy vợ, rồi sang làng khác sống. Bốn năm sau, khi đã kịp có hai mặt con, cả cha tôi và ông ta nhập ngũ, đánh nhau vài trận với giặc. Ngày 30/4, Sài Gòn giải phóng, đơn vị của cha tôi mới chỉ kịp đến Đà Nẵng. Vậy là, cha không được tham gia trận đánh lịch sử đó, Uyển điên may hơn, ông ta được tham chiến ở Sài Gòn. Nhưng năm đó, ông ta không về.

Ba năm sau ông ta mới trở về. Về rồi, cha còn chưa kịp gặp ông ta lần nào, thì nghe nói ông ta đã lên núi. Ông ta chọn một dải núi mọc toàn cây bưởi rừng để dựng nhà. Rồi năm sau ông ta đã bốc cả gia đình lên đó.

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy Cần trên dải cỏ tranh, khi ấy Cần và tôi mới chỉ là những cô, cậu bé. Tôi thường nghĩ, có khi chính Cần là người đã mang viên ngọc lam sáng lấp lánh bay trong đêm, qua chín dải núi, và chín khe suối. Có khi chính Cần là Ngọc Lam thần nữ. Nhưng khi tôi gặp Cần, Cần ở ngay trước mặt, tôi chẳng thấy cô có đôi cánh nào, cô cũng không có phép màu nào để biến hóa những điều kỳ thú.

Những người trong làng, vào mùa đông vẫn lùa trâu bò vào thung lũng Chín Khe. Họ thường cùng tôi ngắm Ngọc Lam thần nữ dạo chơi trong đêm lạnh, và bàn tán về Uyển điên, và vợ, cùng những người con gái của ông ta.

Gia đình Uyển điên sống bằng gì nhỉ? Không ai có thể sống suốt ngày này sang năm khác nhờ vào ổi rừng, măng nành hanh, măng nứa được. Họ không xuống làng, ngoại trừ một lần tôi gặp ông ta đến nhà tôi với hai sọt măng tươi hái trên núi. Họ cũng không lấy trộm ngô sắn trên nương, vì không có ai thông báo bị mất mát. Họ cũng không đốt nương trồng trỉa, vì không ai thấy nương rẫy của họ. Hay ông ta sang bên kia sườn núi Chín Khe, và giao du với người dân bên đó. Chẳng ai mà biết được.

Tôi vẫn nhớ khuôn mặt ông ta. Khuôn mặt như gốc cây nghìn tuổi, già nua, cau có, nhưng đôi mắt lại sáng trong, ấm áp và buồn thương.

Tôi chưa bao giờ gặp hai chị gái của Cần. Tôi hình dung họ qua khuôn mặt đẹp và buồn, qua thân thể mát lạnh như một khối ngọc thạch của cô. Họ có thể đã qua tuổi thiếu nữ rồi. Họ có thể rất đẹp.

Những người chăn bò mùa đông bảo, vào buổi trưa Uyển điên trở về làng, ông ta đã tận mắt nhìn thấy một người đàn ông và vợ ông ta trên chiếc phản ngay gian giữa. Đau đớn làm ông ta hóa điên. Ông ta bỏ chạy, một mạch, rồi nhận ra mình đang đứng dưới chân núi Chín Khe.

Có nhiều người đàn ông biết vợ mình ngoại tình, thậm chí còn tận mắt nhìn thấy, nhưng họ phản ứng bằng một cách duy nhất là… để yên, nhưng sao ông ta lại phát điên lên được?

5. Cha gặp tôi ngoài cổng, ông chỉ tay lên dải cỏ tranh: “Cô gái, nó bảo nó trèo lên đó”.

Dải cỏ tranh lộng gió. Những bông hoa trắng phau rạp nghiêng. Chiều nay gió trở sớm, và buốt lạnh.

Leo được gần đến miếu Ngọc Lam, tôi khựng lại, nhìn khắp lượt dải Chín Khe. Chiều mùa xuân, nắng tắt, sương núi đang tỏa lan. Tôi nhớ Cần cồn cào gan ruột. Sau lần đầu tiên ngỏ ý muốn cưới Cần, mà dù cha không một tiếng phản đối ấy, tôi đã không một lần nhắc lại. Cảm giác đau lòng trong tôi dường như vẫn còn đó.

Cô gái mặc chiếc váy xanh, quàng chiếc khăn màu xanh thấp thoáng trước mắt tôi, trong màu hoa tranh trắng phới. Khi tôi đến bên, cô ta đứng nhìn bát hương chẳng còn nổi một chân hương nào. Chiếc váy xanh xòe rộng của cô ta bay phần phật trong gió.

“Miếu này thờ ai hả anh?”.

“Thờ nữ chúa của ngọn núi này. Cô đừng có điên nữa. Xuống ngay. Không chết rét bây giờ”.

“Nữ chúa à?”.

Cô gái bật cười khanh khách, rồi đột nhiên ôm chầm lấy tôi từ phía sau, đôi cổ tay tròn lẳn xiết mạnh bụng tôi.

Một sức mạnh dữ dội khiến cô ta đổ ập vào tôi…

Cần! Cần của tôi ơi. Cần đang bay trên các ngọn cây. Đất trời tối sầm, đặc quánh, và trên tay Cần là viên ngọc màu xanh lam lấp lánh.

Cô gái ấm nóng dưới bụng tôi. Bên trong cô ấm nóng.

Một cái gì đó bùng nổ, bóng tối vỡ tan thành hàng tỉ tia sáng rực rỡ. Trên đỉnh dải cỏ tranh, trong hoa tranh trắng xóa, Cần đứng lặng nhìn tôi, nhìn cô gái dưới bụng tôi.

Tôi chồm dậy, bươi theo vạt cỏ trắng, cố chuồi theo bóng Cần. Cô gái ngơ ngác hét gọi tôi. Tôi ngoái lại. Ngôi miếu nhỏ thờ Ngọc Lam thần nữ đổ sụp.

Tôi miết mải chuồi theo con đường mòn nhỏ dẫn lên đỉnh núi. Hết triền cỏ tranh, tôi đứng trên mỏm cao nhất của dải Chín Khe. Tôi không nhìn thấy phía bên kia sườn núi có gì, vì những chòm cây cao đã che khuất. Dọc đỉnh núi có một con đường. Người làm nương, hay người đi hái măng, hái ổi đã tạo ra chúng.

Con đường hút tôi trước mặt. Tôi không còn trông thấy bóng Cần. Cô như là đã tan trong gió. Tôi đi theo trái tim tan vỡ của Cần, trong cơn gió thoảng mùi hương bưởi. Lúc này bưởi đương ra hoa. Từ thung lũng nhìn lên, dải núi có bưởi rừng bừng sáng như trăng sao…

Hu huuuuuuu!

Tiếng hú dài não nề, day dứt buông trong gió. Gió luồn vào tim tôi buốt lạnh. Bây giờ, trời đang sáng rỡ, tiếng hú chỉ có trong đêm đen theo dấu ngọc lam của Ngọc Lam thần nữ, tại sao lại buông quanh tôi lúc này?

6. Cha đứng trên hiên nhà, nhìn tôi bơ phờ trở về. Tôi đã đi trong rừng ba ngày.

Cô gái đã đi rồi, cha nói.

“Cái miếu ấy, con thấy nó đổ sụp”.

“Ừ, gió to, nó cũng cũ mủn lâu rồi”.

Cha không cho người đi tìm tôi, trong suốt ba ngày tôi không về.

Tôi đi tìm Cần. Tôi biết Cần đang đợi tôi.

Tôi đi xuyên con đường mòn dọc đỉnh núi. Qua rừng ổi ken cành, qua rừng nành hanh và nứa vút cao, xào xạc, qua những khe sâu vọng lên tiếng róc rách của dòng nước mát trong. Và qua tất cả, tôi đến rừng bưởi.

Bưởi lúc này ra hoa, từng chùm trắng xanh, chi chít, tỏa hương nồng.

Có một lối mòn dẫn qua những thân cây bưởi mốc trắng, xanh rêu. Đó chính là lối xuống ngôi nhà của Uyển điên và những cô con gái.

Lối mòn mở ra, trước mắt tôi là một khoảng rộng xòa những cành hoa bưởi trắng ngát thơm. Rất nhiều năm về trước, chúng đã từng xòa bóng lên một mái nhà.

Dưới tán bưởi rừng, những thanh gỗ mục, dấu vết của một ngôi nhà còn sót lại nằm yên dưới những cánh hoa trắng ngà đã rụng.

7. Tôi chưa bao giờ gặp lại Cần. Trong đêm đen quánh, gió lạnh và núi lạnh, tôi vẫn thấy Ngọc Lam thần nữ mang ngọc bay là là trên khắp dải Chín Khe. Trong gió, những tiếng hú dài não nề như than trách. Những người chăn bò mùa đông bảo đó là tiếng hú của ba cô con gái, cùng vợ chồng lão Uyển. Họ đã từ lâu biến thành một loài vượn. Vượn đã quên tiếng người, chỉ tiếng hú dài, như nhắc nhớ họ từng sống, như một con người mà thôi.

Nhưng họ cũng bảo Uyển điên đã mang vợ và ba con gái sang bên kia sườn núi lâu rồi…

Trên dải Chín Khe - ảnh 1Phạm Thanh Thúy đã vượt qua vùng lãng mạn dìu dịu, nên thơ để tới vùng của lãng mạn dữ dội và đau đớn. Trong truyện ngắn dưới đây, Thúy đã bắt được những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên cũng như vẻ đẹp hoang dã của sắc dục. Cả hai đều thiêng liêng và mong manh đến tận cùng.

Nhà văn Phạm Thanh Thúy hiện đang làm việc tại báo Văn Nghệ.

L.A.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét