Hai nghệ sĩ hai miền bắc/nam, một nổi khắp nhờ chuyên vào vai “đầu bò đầu bướu” ở làng, một là ca sĩ được lưu dấu bởi những bản nhạc buồn nổi tiếng từ đầu thập niên 90 cùng những vai diễn ấn tượng. Trên hết, họ đều là những nghệ sĩ chuẩn mực, được yêu quý và tôn trọng.
Biên kịch phim “Đất và người” Phạm Ngọc Tiến hồi đầu năm ngoái, đã “ước sao có một phép thần để Chu Văn Quềnh ở lại được với đời”. Ước ấy dù sao đã có phần hiệu nghiệm, khi Quềnh - Hán Văn Tình sống thêm gần 2 năm, đi lại thong dong dù ung thư phổi đã di căn.
Anh chàng Quềnh rượu chè, tai quái ở cái làng Giếng Chùa, thế mà có lần dâng lễ thắp hương lạy xin thần hoàng “chấp nhận vào chùa một sinh linh bé nhỏ, chẳng may thiệt phận qua đời. Nếu ngài thấy đất của làng Giếng Chùa chật quá, thì con xin nhường 3 tấc đất hậu sự của con cho cháu”.
“Toàn gỗ tốt thế này, đóng áo quan đẹp phải biết”, Chu Văn Quềnh soi mói chọc khích lão Hàm trưởng họ trên màn ảnh. Nay Quềnh - Tình thật cũng vừa ra đi. Áo quan, đất cát hậu sự ra sao không biết, chứ gia cảnh nghệ sĩ nghèo nhà cấp 4 xây trên đất ruộng chưa sổ đỏ thì các báo đã soi cận cảnh. Chưa kể hơn một năm trời thuốc thang là nhờ bạn bè đồng nghiệp xúm lại giúp đỡ, chứ lúc đầu Quềnh kiên quyết “hoãn cái sự chữa bệnh lại”, vì không muốn vợ con thêm khổ.
“Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại”, là câu cửa miệng lừng danh của nhân vật Chu Văn Quềnh. Những nghệ sĩ như Hán Văn Tình, cát xê to nhất đời là 10 triệu đồng từ phim truyền hình “Đất và người” diễn quần quật suốt 24 tập, thì đời có mấy lần sung sướng để mà hoãn!
Mang thân phận lấm láp giữa mảnh đất lắm người nhiều ma, nhưng phần sâu xa của những người Quềnh toát lên sự tử tế, hơn hẳn những kẻ khoác lên mình bóng bẩy đạo đức.
Mấy ai được thành Nghệ sĩ dân gian, như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét