Một vở múa đương đại dài tới 60 phút (dài hơn 20 phút so với dự định). Ít ai nghĩ nó đủ lôi cuốn để kéo người xem đến rạp hát, chăm chú xem từ đầu đến cuối. Thế nhưng, biên đạo Trần Ly Ly làm được điều đó với Có Có Không Không 2 tại Nhà hát Tuổi trẻ tối 22/9.
Chạm vào cảm xúc
Phần mở đầu của Có Có Không Không 2 hơi rườm rà, chậm rãi với những động tác múa như: cài cúc áo từ trên xuống dưới, rồi lại đóng cúc áo từ dưới lên trên trong tiếng nước chảy từng giọt từng giọt. Nhưng rồi cao trào được đẩy dần lên với âm thanh, điệu múa dồn dập, biểu thị sự giày vò, giằng xé của nhân vật do diễn viên Hà Tứ Thiên thể hiện. Nhân vật soi gương rồi dùng kéo phi vỡ gương như để phủ nhận hình hài hiện có của mình. Rồi cảnh nhân vật dùng kéo cắt đôi tất của mình: một chiếc xanh, một chiếc đỏ. Cuối cùng, nhân vật run run xỏ chân vào đôi guốc cao gót, bước đi lảo đảo, hét lên, rồi cất lời ru chua chát “Á à à ơi…”.
Âm thanh, ánh sáng, phục trang được kết hợp hoàn hảo và tạo hiệu ứng cảm xúc mạnh cho người xem. Không ít khán giả rưng rưng nước mắt khi xem Có Có Không Không 2. Ca sỹ Hà Trần, bạn thân của Trần Ly Ly, vừa trở về từ Mỹ. Cô phi thẳng từ sân bay Nội Bài về Nhà hát Tuổi trẻ để kịp xem vở múa của bạn. Hà Trần khóc khi xem vở diễn. Cô nói với Trần Ly Ly rằng, sẽ tìm cách đưa vở diễn ra nước ngoài. Bà Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam, đơn vị chủ trì Liên hoan múa đương đại “Sự gặp gỡ Á- Âu” lần thứ 6, cũng bày tỏ xúc động sau khi xem Có Có Không Không 2. Bà nói rằng, với cương vị nhà tổ chức, bà đã xem nhiều vở múa đương đại, nhưng chưa vở múa nào khiến bà xúc động đến thế. “Tác phẩm đã chạm đến cảm xúc cá nhân. Vở diễn đã có những khoảnh khắc rung động mạnh mẽ”, bà nói. NSND Nguyễn Công Nhạc, nghệ sỹ ballet đầu tiên của Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nhận xét: “Vở múa rất đương đại, rất Việt Nam. Biên đạo Trần Ly Ly đã trưởng thành rất nhiều”.
Công phu và tốn kém
?Để có được 60 phút diễn xuất thần như vậy, Trần Ly Ly cùng 6 diễn viên múa (chọn từ nhiều đơn vị múa), nhóm viết nhạc, thiết kế phục trang, ánh sáng cùng làm việc với nhau gần một tháng. Hằng ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật, cứ từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối, toàn bộ êkíp tập trung tập luyện. Cả tháng đó, Ly Ly bỏ mọi lời mời làm talk show, hay làm giám khảo, xa chồng, xa con ra Hà Nội chỉ để tập trung cho tác phẩm mới này.
Trước câu hỏi “Đập vỡ gương là thật hay kỹ xảo”, Ly Ly bảo: “Thật 100% chứ. Tốn kém phết đấy”. Cô nói: “Bản năng của các diễn viên khá tốt, tuy nhiên, tôi muốn đưa nhân vật vào căng thẳng thực sự, tôi phải kích nhiều thì các em diễn mới điên được”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét