Xuất phát vốn là hôn nhân chính trị, chênh lệch gần 30 tuổi, vậy mà Lưu hoàng thúc bằng vẻ ngoài phong độ điển trai, "gừng càng già càng cay", đã nhanh chóng hút hồn được nàng Thượng Hương trẻ trung xinh đẹp, thậm chí còn khiến nàng mê mẩn đến mức gạt mẹ lừa anh theo mình trốn về lại Kinh Châu sau một thời gian dài ở Giang Đông ăn tàn phá hại.
Thế nhưng, đời thật hoàn toàn không như tiểu thuyết.
Đọc Tam Quốc Chí mới vỡ lẽ, hôn nhân của Lưu Bị và Tôn Thượng Hương không hề lung linh lãng mạn như phim Hàn mà hỗn loạn hoang mang như phim Mỹ.
Không những vậy, một số đối tượng liên quan đến mối “lương duyên” này cũng đã bị oan ức bấy lâu nay mà không có cơ hội nào lên tiếng. Đầu tiên, phải kể đến “ông mai” Chu Du.
Chu Du: “Tôi không mất phu nhân!”
Như đã biết, việc Lưu Bị mượn Kinh Châu chẳng qua là thổi phồng nói quá, thực tế Bị chỉ mượn một huyện Giang Lăng. Và hai bên Lưu - Tôn cũng đã gặp nhau để tiến hành thương thảo, Quyền ký giấy đồng ý đàng hoàng, chứ không có chuyện Chu Du bị Khổng Minh dùng mưu phỗng tay trên đoạt thành trì như Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả. [1]
Hơn nữa, Bị chỉ chính thức sở hữu được Giang Lăng sau khi Du qua đời, trước đó vùng đất này vẫn còn trong sự quản lý của Chu Đô đốc. Tam Quốc Chí - Chu Du truyện chép: “Du về Giang Lăng, sắm sửa đồ dùng, nhưng trên đường ở Ba Khâu bệnh chết, bấy giờ ba mươi sáu tuổi.”
Bởi không cần vật vã nghĩ kế đòi lại Kinh Châu rồi bí bách đến mức dùng Tôn Thượng Hương làm mồi nhử, Mỹ Chu Lang vẫn giữ được vẻ phong lưu tuấn nhã, chứ không hề trợn mắt xù lông, tức đến hộc máu như trong phim hay truyện, càng không bị Khổng Minh châm chọc: “Đã mất phu nhân, lại thiệt quân.”
Tuy nhiên, khi Lưu Bị qua sông gặp Tôn Quyền, Chu Du quả thật có khuyên chủ công mình dùng "mỹ nhân kế" với Bị: “Thần ngu muội cho rằng kế lớn là nên dời Bị đến đất Ngô, xây dựng nhiều cung điện, chứa nhiều gái đẹp cho hắn vui chơi để lung lạc tai mắt của hắn.”[2]
Vậy Lưu hoàng thúc có trúng kế không?
Lưu Bị: “Tôi không mê mỹ sắc!”
Tam Quốc Diễn Nghĩa viết: “Huyền Đức mê mải nhạc hay sắc đẹp, không tưởng trở về Kinh Châu nữa.” Thế thì trúng kế mười mươi rồi còn gì?
Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Thứ nhất, Quyền không dùng kế của Du: “Quyền cho rằng Tào công tại phương Bắc đang thu nạp anh hùng, lại sợ khó ngăn được Bị, cho nên không nghe.” [2]
Thứ hai, Giang biểu truyện chép, khi Bị trò chuyện với Bàng Thống, hỏi Thống về việc Du khuyên Quyền giữ Bị lại đất Ngô, Thống xác nhận là có, Bị mới than rằng: “Cô đương lúc nguy cấp, phải tới cầu cạnh, không được không đi, sợ chẳng thoát được khỏi tay Chu Du… Ấy thật là đi vào chỗ nguy hiểm, chẳng phải kế vạn toàn.” [3]
Như vậy rõ ràng Bị đến Giang Đông với tâm lý đề phòng, ý thức được mình đang trong tình thế “thập diện mai phục”, thì lòng dạ nào mà chơi bời hưởng lạc?
Nói đi cũng phải nói lại, tuy Quyền không cho “lạc” để Bị hưởng, nhưng thay vào đó là một cô em gái mới vừa mười tám, chính là nàng Tôn tiểu muội tài sắc vẹn toàn mà chúng ta thường thấy trong phim ảnh.
Trai (dù hơi già một tí nhưng vẫn) anh hùng, gái thuyền quyên, vậy thì tại sao chuyện tình của họ lại không ngọt ngào như trong truyện?
(Còn tiếp)
------------------------------
Chú thích và tham khảo:
[1] Tam Quốc Chí – Lỗ Túc truyện(NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
[2] Tam Quốc Chí – Chu Du truyện(NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
[3] Tam Quốc Chí – Bàng Thống truyện(NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét