Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Đổi chọi thành thi trâu, chiêu lách luật?

Con trâu thua bị lôi ra khỏi sân đấu.Con trâu thua bị lôi ra khỏi sân đấu.

Không chọi, chỉ thi?

Hai ngày 3 và 4/9 sân vận động huyện Phúc Thọ đông nghịt người xem Hội thi trâu khỏe phong trào nông dân Phúc Thọ 2016. Vé bán 150-200 nghìn đồng tuỳ hạng. Trong sân, trâu đấu qua nhiều vòng tìm ra con khỏe nhất, bên ngoài các sạp thịt trâu bày bán, giá cao hơn vài lần giá chợ. Những con trâu tham dự vòng chung kết này đã kinh qua vòng loại. Điều đáng nói là từ đầu năm, Bộ VHTTDL kiên quyết từ chối cấp phép cho một số lễ hội chọi trâu mới trong đó có chọi trâu Phúc Thọ.

Ngay sau khi bị từ chối cấp phép hồi tháng 2, ngày 17/3, Cty CP Du lịch và Thương mại Hải Đăng, Cty CP Xây dựng và Thương mại Tuấn Linh gửi văn bản tới Cục Văn hóa Cơ sở xin phép tổ chức Hội thi trâu khỏe phong trào nông dân 2016. Kế hoạch kèm theo là tổ chức hội thi vào 16, 17/4, thực tế 4/9 hội thi mới diễn ra. Hai đơn vị này cũng phối hợp UBND huyện Phúc Thọ tổ chức nhiều hoạt động, hội chợ ở huyện, nhất là lễ hội truyền thống đền Hát Môn vừa qua.

Liên hệ với bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, bà trả lời Cục không hề cấp phép bởi việc đó thuộc thẩm quyền của Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội. Bà Thủy cung cấp một số văn bản, trong đó có văn bản số 167 ngày 23/3/2016 của Cục trả lời về việc xin cấp phép tổ chức Hội thi trâu khỏe phong trào nông dân 2016: “Căn cứ Thông tư 15 của Bộ quy định về tổ chức lễ hội, Cục Văn hoá Cơ sở chuyển đề nghị cấp phép tổ chức hội thi về Sở VHTT Hà Hội xem xét giải quyết theo thẩm quyền”. Đồng thời, Cục đề nghị Sở xem xét việc cấp phép phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, thực hiện nghi Chỉ thị 41 của Ban Bí thư, Công điện 229 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 15 của Bộ về quy định quản lý, tổ chức lễ hội.

Xử lý thế nào

Đại diện Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Phúc Thọ thanh minh “không có màn chọi trâu, chỉ có hai con trâu đấu đầu vào nhau để phân ra trâu khoẻ”. Tuy nhiên, hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy có trâu thua cuộc bị húc chết thẳng cẳng, được tròng dây vào cổ lôi ra khỏi sân, không tránh khỏi va chạm, xô xát trong quá trình đuổi theo đôi trâu đấu đầu. Thi kiểu này khác nào chọi?

Bạo lực vẫn hoàn bạo lực, vẫn đi ngược lại chỉ thị, văn bản quy định của các cấp về việc không tổ chức lễ hội có yếu tố bạo lực. Đổi tên gọi có chăng là hình thức lách luật khi không được sự đồng tình từ Bộ VHTTDL.

Huyện Phúc Thọ lí luận: bên cạnh hội thi còn có các hoạt động văn nghệ như hát chèo, ca trù, hát văn và đặc biệt họ yên tâm vì được Sở hướng dẫn và cấp phép. Hỏi ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, ông trả lời: “Đây không phải lễ hội, Sở không cấp phép. Sau khi xin ý kiến Bộ VHTTDL, UBND thành phố Hà Nội, Sở hướng dẫn cho huyện Phúc Thọ tổ chức hội thi trâu khỏe trâu đẹp theo đúng đề án kèm theo”.

Lễ hội chọi trâu Phúc Thọ là một trong số lễ hội mới, diễn ra hai năm gần đây, bị phản ánh là nhiều yếu tố bạo lực. Theo tinh thần hướng đến mùa lễ hội văn minh, loại bỏ yếu tố phản cảm, bạo lực nên trước khi vào mùa lễ hội 2016, Bộ ra thông tư 15 chấn chỉnh các hoạt động này. Không riêng lễ hội Phúc Thọ, lễ hội chọi trâu Phú Sơn (Bắc Ninh) cũng bị Bộ tuýt còi ngay khâu xin phép. Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTTDL trước đó thể hiện quan điểm rõ ràng phúc đáp công văn của Bắc Ninh, Phúc Thọ (Hà Nội) về việc ngừng tổ chức lễ hội chọi trâu. Các Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, Sở VHTT Hà Nội khi ấy cũng có văn bản yêu cầu theo tinh thần trên.

Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động nói trước hết đó là trách nhiệm của địa phương-UBND huyện Phúc Thọ. “Sở có công văn gửi UBND huyện Phúc Thọ, đề nghị báo cáo nội dung hội thi có đúng đề án hay không”, ông Động nói.

Thi trâu vì nuôi trâu phát triển?

Theo lí luận của đơn vị tổ chức trong văn bản gửi Cục Văn hóa cơ sở, ngoài lí do kích cầu du lịch, thu hút khách về Phúc Thọ để tăng cường giao thương, đây còn là “nơi đang có số lượng đàn trâu lớn cùng truyền thống chăm sóc, nuôi trâu rất phát triển”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét