Chương trình có chiếu phim ngắn khai mạc sự kiện. TS. Đỗ Phú Hưng, Trưởng khoa Quy hoạch Đô thị, ĐH Kiến trúc TPHCM và TS. Michael Waibel, Viện Địa lý, ĐH Hamburg, Đức là diễn giả. Cuốn sách như một sự lý giải về ngập lụt hiện nay, cũng như cảm nhận thay đổi và sự năng động của thành phố. Ấn phẩm là sách ảnh khổ lớn, 450 hình ảnh bằng song ngữ Anh - Việt.
Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016
Văn học cho trẻ nhỏ: Mảnh đất màu mỡ
"Văn học viết cho thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ, chưa nhiều người khai hoang” - Văn Thành Lê (tên thật Lê Văn Thành, đang công tác tại chi nhánh NXB Kim Đồng TPHCM) nhận xét. Anh cho rằng, người lớn vì nhiều lí do quên đọc sách, hoặc ít đọc, nhưng trẻ em thì không. Trẻ em cần sách, trong đó có sách văn học. Gần đây xuất hiện số tác giả trẻ quan tâm và bước đầu có tác phẩm được các em đón nhận. “Khi thấy cần thiết, phải viết ra thì mới mong từ trái tim chạm đến trái tim. Chứ gánh vác trách nhiệm và vai trò, e là sẽ ra một thứ văn… bao cấp” - Văn Thành Lê nói về vai trò của nhà văn đối với thiếu nhi.
Dịch giả tiếng Trung Trần Nhật Mỹ (SN 1986) và Hoàng Phương Thúy dịch giả tiếng Anh - Trung (SN 1989) khi được hỏi về văn học dịch đều tâm niệm: “Người dịch phải cố gắng để dịch không thành diệt”.
Dịch giả Trần Nhật Mỹ: “Có người nói, tác giả là mẹ ruột của tác phẩm, người dịch là mẹ nuôi chăm cơm đút cháo. Tôi thấy có chút gì đó khá đúng. Người dịch cần có sự ứng biến linh hoạt và sự nắm bắt cái hồn của nguyên tác”.
“Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giao lưu toàn cầu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thị trường sách thiếu nhi trong giai đoạn này cực kì phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức. Các bậc phụ huynh ngày nay coi việc tìm mua sách, đọc sách cùng con là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục”- Hoàng Phương Thúy nói.
Mình nói chuyện gì khi nói về tuổi già
Đừng nghĩ chỉ tuổi trẻ mới mơ ước hoài bão. Ở tuổi gần đất xa trời, 17 trong số 33 nhân vật đến từ một viện dưỡng lão Hà Nội lần lượt nói về nỗi ước ao của họ. “Tôi muốn được có một chuyến du lịch nước ngoài”, bà Phạm Thị Thi, 74 tuổi, Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm nắn nót viết. Ông Nguyễn Văn Thanh, 66 tuổi ở Linh Đàm chỉ có một ước mơ có vợ con như bao người khác.
Cụ Hồ Tấn Thạch, 88 tuổi ở Gia Lâm xót xa vì con trai mất sớm, vợ mất mấy năm nay và cụ ở với con gái nhưng nhà cửa đi thuê, cuộc sống bấp bênh. Cảm giác không giúp được gì cho con giày vò cụ ông này.
Trong số 33 nhân vật được lựa chọn, có người nổi tiếng chia sẻ câu chuyện đời mình là NSND Trần Phương. Niềm tự hào của ông là các cháu “học cao hiểu rộng” cho nên nhiều khi thấy lúng túng khi ở bên cạnh con cháu. Ông chọn viện dưỡng lão như là Nơi cuộc sống mới bắt đầu. Chính viện dưỡng lão đã đưa ông gặp lại người bạn, diễn viên Tuệ Minh.
Đưa người già vào viện dưỡng lão là điều tất yếu ở nhiều nước phát triển, tuy nhiên lựa chọn này còn khá khó khăn với nhiều gia đình Việt Nam. Sợ mang tiếng bạc đãi bố mẹ, nhiều gia đình không dám bước qua định kiến ấy.
“Tôi có hai con trai nhưng tôi sẽ viết di chúc để sau này chúng nó khỏi mang tiếng là không nuôi bố mẹ”, bà Quản Thị Thu Nguyệt nói. Bà đang ở tuổi hưu, lo xa đến giai đoạn lẫn, sợ gây căng thẳng cho con cái nên sớm nghĩ tới giải pháp sẽ vào viện dưỡng lão.
Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ cũng giới thiệu 25 bức ảnh trong chủ đề “Vẻ đẹp không tuổi” của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Nhân vật chính là những người phụ nữ lớn tuổi ở Việt Nam.
Trịnh Tú: Thong thả vẽ và... yêu
Trịnh Tú sợ làm bạn buồn. Cứ theo cách nghĩ dân gian anh xứng đáng xếp hạng giàu: “Giàu vì bạn”. Có thể gặp anh trong cuộc nhậu ở nhà riêng của Ngô Thảo. Cũng có thể gặp anh trong nhóm Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Thiều… ở một triển lãm tranh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Trịnh Tú không nổi bật giữa đám đông, anh không thuộc hàng hoạt ngôn nhưng sự thong thả, an nhàn, phảng phất vẻ “quí tộc” ở Trịnh Tú khiến những người chưa biết gì về anh không khỏi tò mò.
Người ta nói Trịnh Tú may mắn, anh không phản đối: “Được là con của bố mẹ tôi, được cho ăn học đầy đủ đó là may mắn lớn”. Trịnh Tú là con nhà nòi, cha anh là họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997), sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu. Cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc từng mở một xưởng gỗ với máy móc nhập từ Pháp, được coi là nhà trang trí nội thất và làm đồ gỗ hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Ông sinh được 12 người con, Trịnh Tú là con thứ 10.
Những người con của Trịnh Hữu Ngọc đều là những tên tuổi được khán giả yêu nghệ thuật biết đến: Họa sỹ, dịch giả Trịnh Lữ (tên thật Trịnh Hữu Tuấn), anh trai của Trịnh Tú. Nghệ sỹ Piano Trịnh Thị Nhàn, em gái của Trịnh Tú, hiện đang sống ở Pháp... Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc không truyền lại cho các con bí quyết làm giàu, thứ quí giá nhất ông để lại cho con chính là niềm đam mê với nghệ thuật: “Chúng tôi được sinh ra trong gia đình giàu có lúc ấy nhưng cha tôi luôn dạy chúng tôi biết quí từng cành cây, cọng cỏ. Ông thắp trong chúng tôi tình yêu nghệ thuật. Yêu nghệ thuật hơn yêu tiền bạc”.
Trịnh Tú rành tiếng Pháp. Có thể nói tiếng Pháp gần bằng tiếng Việt nhưng anh chưa bao giờ dịch sách, chỉ dùng tiếng Pháp để đọc sách, những cuốn sách anh thích. Anh cũng chơi được piano vì được cha cho học từ bé nhưng cũng không theo con đường trở thành nghệ sỹ piano chuyên nghiệp.
Trịnh Tú cũng thích viết, anh đã từng gắn bó 20 năm ở báo Lao Động, để viết bài, biên tập. Nhưng con đường đam mê lớn nhất, kéo dài từ thuở niên thiếu cho đến khi tóc bạc của anh vẫn là hội họa. Trong hội họa cũng như trong cuộc đời, Trịnh Tú luôn hướng về hai chữ: Bình yên. Cho dù có người nói bình yên quá đôi khi thành nhạt nhẽo.
Bài học từ cố giáo sư Tôn Thất Tùng
Trung Trung Đỉnh tổng kết về Trịnh Tú: “Giàu sáng tạo và… ham chơi”. Trịnh Tú cười, xác nhận vế sau đúng. Nhìn anh thong thả nhâm nhi cuộc đời, ít ai biết rằng Trịnh Tú cũng từng có biến cố lớn ở tuổi trưởng thành.
Đang học năm thứ 3, ĐH Mỹ thuật, ở khu sơ tán vào một ngày đẹp trời, anh cùng đám bạn phát hiện ra một nhà thờ nhỏ xinh gần đó, có một vị cha đạo hiền từ. Vị cha đạo một lần gọi anh đến nhờ sơn lại bức tường nhà thờ vì biết người trẻ tuổi đang học hội họa. Sẵn nguyên liệu trong tay, anh hồ hởi làm ngay, sơn lại bức tường đẹp đẽ. Vị cha đạo hài lòng, thưởng cho anh một đĩa xôi gà. Những tưởng sự việc êm xuôi, nào ngờ với quan điểm khắt khe ấu trĩ ngày đó, Trịnh Tú bị đuổi học.
“Tôi cố gắng tránh biến cố bằng sự nhún nhường và bao dung. Ở đời này, cứ lao vào cuộc đấu tranh hơn thua là mệt lắm. Làm được điều tốt nên làm, không làm điều xấu cho ai, không gây thù chuốc oán”.
Trở về nhà, anh không bị cha, họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, la mắng câu nào. Cha anh vốn thân thiết với giáo sư Tôn Thất Tùng. Biết Trịnh Tú vừa bị đuổi học, Tôn Thất Tùng nhận anh giúp việc cho ông. Tất cả những công trình của Tôn Thất Tùng hơn mười năm trước khi ông mất đều mang dấu ấn của Trịnh Tú.
Anh chính là người thực hiện toàn bộ minh họa cho sách của ông. Quá trình được giúp việc cho giáo sư nổi tiếng, đã giúp Trịnh Tú học được bài học lớn về lòng bao dung. Trong mỗi bước đường của cuộc sống, anh đã dùng lòng bao dung để giải mã vấn đề khó khăn, tìm được sự bình yên cho mình: “Tôi cố gắng tránh biến cố bằng sự nhún nhường và bao dung.
Ở đời này, cứ lao vào cuộc đấu tranh hơn thua là mệt lắm. Làm được điều tốt nên làm, không làm điều xấu cho ai, không gây thù chuốc oán”. Trịnh Tú được giáo sư Tôn Thất Tùng coi như con: “Không ngày nào ông không la tôi. Bởi vì tính ông nóng, bởi tính tôi thỉnh thoảng lại hay quên”. Họa sỹ rất vui vì năm ngoái anh vừa hoàn thành được việc lớn, xây lại mộ cho người cha thứ hai, giáo sư Tôn Thất Tùng: “Anh Bách (giáo sư Tôn Thất Bách, con trai giáo sư Tôn Thất Tùng - PV) đã mất, chỉ còn hai người con gái chân yếu tay mềm, tôi tự thấy mình phải đứng ra gánh vác việc này, vì gia đình đã coi tôi như con”.
Tranh lành như tính
Những năm gần đây, Trịnh Tú “sống gấp” với hội họa. Anh liên tục trình làng hai triển lãm cá nhân. Năm ngoái, anh giới thiệu đến những người yêu nghệ thuật ở Sài Gòn triển lãm: “Người mẫu và hoa”, tranh bán sạch. Năm kia, để chia tay cô con gái yêu sang Ý du học hội họa, anh làm triển lãm “Xúc cảm” ở một khách sạn nhỏ tại Hà Nội. Những triển lãm chung Trịnh Tú cũng tham gia tích cực.
Trịnh Tú tự nhận mình lành. Xem tranh anh cũng thấy điều đó. Anh dẫn tôi lên “cõi riêng” là xưởng họa. Diện tích xưởng không rộng nhưng ngập tràn nắng, gió bởi cửa sổ tứ phía. Những bức tranh hoàn thành hoặc sắp hoàn thành đang bày ngổn ngang. Khác với nhiều họa sỹ bây giờ hướng đến tranh khổ lớn, Trịnh Tú thích sinh nở những tác phẩm vừa phải về mặt kích thước. Anh cũng không dùng màu sắc chóe. Trong cuộc chơi màu, Trịnh Tú tỏ ra điềm đạm, dung dị.
Một tác phẩm của Trịnh Tú.
Những người đàn bà với vẻ đẹp hoặc viên mãn, hoặc nồng nàn, hoặc mong manh sương khói, đều không hề khiêu khích, họ khoe mình an nhiên như những đóa sen đầu hạ. Xem tranh Trịnh Tú, bất giác khiến tôi nhớ đến Thạch Lam trong văn chương.
Chẳng ồn ào, chẳng đình đám, Thạch Lam cứ hớp hồn người ta bằng cái sự tí tách, nhẹ nhàng. Giữa thế giới náo động với những sự kiện vui, buồn đan xen, tranh Trịnh Tú đưa người xem vào thế giới của bình yên. Vì thế chăng, nên giữa thị trường tranh đang ảm đạm chợ chiều, anh vẫn bán túc tắc?
Hỏi anh mong muốn gì trong những năm mùa thu cuộc đời? Họa sỹ ước: “Sẽ vẽ đẹp hơn, bởi tôi thấy tranh mình chưa đẹp”. Anh quí trọng nhiều họa sỹ trong nước nhưng người duy nhất ngưỡng mộ chính là cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc: “Cha dạy cho tôi về cách sống và ảnh hưởng lớn tới quan niệm hội họa của tôi”. Một ngày của Trịnh Tú luôn bắt đầu bằng vẽ và kết thúc cũng bằng vẽ. Chưa bao giờ anh thấy mình dồi dào năng lượng và khát khao sáng tạo như bây giờ.
Mỗi cuộc tình là một phần thưởng
Trịnh Tú đi qua hai lần đò, có hai người con gái. Anh không thấy mình thua thiệt vì giàu con gái: “Con nào chẳng là con”. Cô con gái lớn đang sống cùng vợ đầu ở Úc. Người con gái thứ hai, Trịnh Cẩm Nhi, đang theo học ở một trường hội họa danh tiếng và đắt đỏ ở Ý. Bức chân dung đẹp nhất về Trịnh Tú chính là bức chân dung do con gái Trịnh Cẩm Nhi vẽ: “Bởi vì nó yêu tôi nhất”.
Anh trân trọng những tình cảm đã đi qua trong đời. “Mỗi cuộc tình với tôi là một phần thưởng của trời đất”. Người vợ hiện tại kém anh gần hai con giáp, chị là “dân” văn phòng, không liên quan nghệ thuật: “Nàng rất lành”, anh nhận xét. Bí quyết để nuôi dưỡng hôn nhân 20 năm với người vợ trẻ chính là sự hài hước: “Mới dẫn nàng đi mua giày, người ta nhầm là bố - con, tôi cười bảo rằng: Chúng tôi là vợ chồng, vì sự nhầm lẫn này đề nghị cửa hàng giảm giá”.
Trịnh Tú là “tay” sành rượu, nhất là rượu vang. Anh mở một chai vang và giới thiệu: “Chai vang này đặc biệt, bởi nó sinh ra từ một lâu đài trồng nho nổi tiếng của Pháp vào một mùa nho ngon. Những câu chuyện về vang như kinh thánh, hay và phong phú vô cùng”. Anh lại tiếp tục “bài ca rượu vang”: “Chai vang này dịu dàng lắm. Lát nữa mới ngon. Vang cũng cần thời gian để thở, nên trước khi uống nên mở trước khoảng nửa tiếng để cồn trong chai bay đi”. Họa sỹ gợi ý lúc uống rượu vang nên nghe nhạc Chopin. Anh vừa nói thì âm thanh bất hủ của bản Concerto số 1 viết cho Piano và dàn nhạc của Chopin đã tràn ngập xưởng vẽ.
Nghệ thuật đa phương tiện - tây khen, ta “không hiểu”
Sáng lập Hanoi DOCLAB, trung tâm độc lập dành cho phim tài liệu từ năm 2009 đến nay, Trinh Thi hy vọng có sự chuyển biến dù nhỏ đến cách tiếp cận vấn đề của học viên và lượng khán giả ít ỏi. Mỗi khóa học trung tâm chỉ tuyển khoảng 10 người, phòng chiếu chỉ với gần 100 chỗ ngồi. Ngoài hướng dẫn làm phim ngắn, cái khó nhất “gần như phải đánh vật” là tạo được cách tư duy thể hiện cho cá nhân sáng tạo, nữ nghệ sĩ thổ lộ.
Phim tái chế
Nguyễn Trinh Thi là người đầu tiên từ năm 2010 - qua tác phẩm video giới thiệu cho khán giả Việt về thể loại phim tái chế found-footage “ Bài ca ra trận”, “Jo Ha Kyu” “Việt Nam, một bộ phim”, “Mười một người đàn ông” và thể loại phim thư như “Những lá thư Panduranga” .
Hoàn thành cuối năm 2015, “Mười một người đàn ông” lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Eleven Sons” của Franz Kafka. Video 35 phút là những mảnh ghép từ 11 bộ phim có sự tham gia của diễn viên Như Quỳnh đóng cặp với 11 người đàn ông. Người xem sẽ có những cảm nhận khác nhau về phụ nữ, đàn ông, về tình yêu trong từng giai đoạn của đất nước.
“Những lá thư Panduranga” (Trong Khói và Mây) kể về việc trao đổi thư bí mật giữa hai người bạn cùng là nhà làm phim. Bộ phim lấy cảm hứng từ việc chính phủ có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước ở Ninh Thuận (trước đây gọi là Panduranga), ngay tại vùng đất tâm linh của người dân bản địa Chăm. Tác phẩm thể loại phim thư đã giúp Nguyễn Trinh Thi giành được Giải Nghệ sĩ Mới Xuất sắc nhất Sử dụng Digital/Video tại giải thưởng Prudential Eye Awards 2016.
Nhà làm phim chia sẻ: “Động lực của tôi khi làm phim tái chế vừa là để vun giữ, vừa để cởi mở, vừa để lật ngược cách ứng dụng ngôn ngữ và mỹ học trong các dạng thức khác biệt của điện ảnh và truyền thông. Ấy cũng là để kể lại, ngẫm lại, phân tích lại, và kết nối lại với lịch sử”.
Xem video quên thưởng thức múa
Khác hẳn với hình dung của đa phần khán giả rằng clip chỉ có chức năng minh họa cho các tiết mục ca (múa nhạc…), sắp đặt video của Trinh Thi trong vở “Những tiệm giặt là Hà Nội” vừa có sự gắn kết cùng ý tưởng, vũ đạo của Riki von Falken, vừa là tác phẩm độc lập của nghệ sĩ đa phương tiện.
Năm màn hình phía trên và sau sân khấu mở ra những góc nhỏ cuộc sống của Hà Nội. Phiên chợ đêm, bãi sông Hồng, xưởng trộn than bùn, người phụ nữ nội trợ hồi tưởng quá khứ, người đàn ông ngồi giũa liềm trên ruộng lúa… Nguyễn Trinh Thi sưu tầm phim, các cảnh quay, tự kết hợp dãy hình ảnh và âm thanh theo góc nhìn riêng. Nữ nghệ sỹ kể những mẩu chuyện nhẩn nha mà dường như Riki lại là người múa minh họa và lắng nghe. Biến tấu âm thanh không bình thường của John Cage đưa khán giả vào chuyến đi lãng mạn tại Hà Nội.
Người xem hầu như quên xem Riki múa, hiệu ứng thị giác của năm màn hình video cuốn hút họ hơn. Cũng có người than khó xem “nặng và nhiều ẩn dụ”.
Sau sáu năm lao động nghệ thuật sắp đặt video, Trinh Thi không chắc lắm về việc “khán giả Việt đã tò mò hơn chưa với thể loại này”. “Tôi chỉ có cơ hội một vài lần trình chiếu tác phẩm tại Nhà sàn Collective và khán phòng viện Goethe (HN) cho một phạm vi khán giả nhỏ hẹp”. Không chỉ Trinh Thi, đa số dân “đương đại” và “thể nghiệm” đều là nhóm nghệ sĩ ít ỏi, quen biết nhau thỉnh thoảng tụ lại khoe sản phẩm mới theo kiểu tự bình luận, “tự sướng”.
Sắp đặt Video “Không phụ đề” được chú ý tại nhiều nước.
Làm sao đây với “chả hiểu gì!”?
Lý giải tình trạng yếm thế của nghệ sĩ đương đại, Trinh Thi cho rằng do sự thiếu hổng từ môi trường giáo dục. Ngay tại hai trường sát sườn đào tạo nghệ sĩ là Đại học Sân khấu Điện ảnh và Đại học Mỹ thuật, chương trình vẫn cổ như mấy chục năm trước đây. Không có giáo trình nào cho nghệ thuật, phim ảnh thử nghiệm. Chức năng của nghệ sĩ nhẽ ra phải đi đầu, khai phá cái mới về quan điểm cũng như thẩm mỹ, đằng này đa số phải mầy mò, nghe ngóng từ nước ngoài.
Bị kiểm duyệt gắt gao, bị mặc định “khó hiểu” và “thông điệp không rõ ràng”, hầu như sản phẩm của nghệ sĩ đương đại khó tiếp cận khán giả đại trà.
Video sắp đặt “Không phụ đề” đã từng được người bình chọn quốc tế đánh giá cao thì nhiều khán giả Việt xem qua Youtube nói “chả hiểu gì”, “sao mọi người cứ nhai nhồm nhoàm hoài thế?”. Có người tỏ ra biết hình ảnh từng nhân vật đang ăn theo cách của mình là “thông điệp nào đó” nhưng nhìn chung họ thận trọng và không sẵn sàng mua vé xem món nghệ thuật “lập dị” này.
Nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi.
Cũng do không thấu hiểu mà truyền thông báo chí chưa hỗ trợ được nhiều. Đa số phóng viên quan tâm đến các chương trình bề nổi thị trường giải trí. Họ thấy ngại viết những vấn đề trúc trắc, khó câu view. Ngay cả dân phê bình cũng thiếu chuyên môn về mọi xu hướng nghệ thuật mới, Trinh Thi bày tỏ.
Cùng với phim tái chế, loạt sắp đặt video “Không phụ đề” , “Dàn hợp xướng Solo”của Trinh Thi từng được mời tham gia Jeu de Paume, Paris; Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bordeaux (CAPC); Lyon Biennale 2015; Asian Art Biennial 2015, Đài Loan; Fukuoka Asian Art Triennial 2014 và Singapore Biennale 2013.
Về dự án sắp tới, nhà làm phim cho biết có nhiều ý tưởng nhen nhóm nhưng chưa thể chia sẻ. Hình như chị phải giữ bí mật để đảm bảo độ bất ngờ khi ra mắt.
Trải nghiệm dở khóc dở cười diễn cải lương kinh dị
Lần đầu tiên diễn… cải lương kinh dị
Vở diễn “Ngạ quỷ” thuộc thể loại giả tưởng kết hợp hư cấu lịch sử. Sự kiện thứ nhất là chuyện về vụ án tru di tam tộc nhà họ Triệu vào thời Xuân thu - Trung Quốc. Sự kiện thứ hai là câu chuyện hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần, vào nửa cuối thế kỷ XIV.
Sợi dây liên kết hai khối sự kiện trên là linh hồn quỷ dữ nhập vào các con rối. Vở diễn đưa ra thông điệp giải thích về bản chất của cái ác.
NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó GĐ Nhà hát cải lương, đạo diễn vở “Ngạ quỷ” thú nhận, đây là lần đầu tiên nhà hát dựng một vở cải lương có yếu tố liêu trai, thần thoại. “Khi nhận vai, không ít nghệ sĩ bỡ ngỡ và lúng túng. Tuy nhiên, khi đã quen, mọi người đều công nhận đây là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Kịch bản mới mẻ nên đạo diễn cũng không ngại ngần thử nghiệm nhiều cái mới trên sân khấu. Không chỉ vậy, phục trang cũng được mô phỏng không theo nguyên bản trong triều đại phong kiến mà được thực hiện với phong cách biểu trưng nhằm phá vỡ mọi khuôn mẫu của hiện thực.
Người xem không thể không ấn tượng đến mức ám ảnh với nụ cười khanh khách ma quái của nghệ sĩ Minh Hải trên sân khấu. Được giao vai vua Nhật Lễ, Hải rất phấn khởi vì đây là vai chính đầu tiên của anh. Nhưng cũng là áp lực vì đây là vai diễn đa nhân cách, lúc quỷ lúc người. Trong khi, cả ở ngoài đời lẫn trên sân khấu, Hải vẫn quen với hình ảnh hiền lành, lương thiện.
Đảm nhận một trong những vai “khó nhằn” nhất của vở diễn, một lúc nghệ sĩ Văn Đáng phải diễn cả 3 vai: khi vào vai chính Dương Khương, khi làm con rối ác, thoắt cái lại phải làm con rối thiện. Vai diễn khiến anh phải thay đổi động tác, giọng nói, sắc mặt liên tục. Văn Đáng chia sẻ, nhận kịch bản càng đọc mới càng thấy “ảo” vô cùng. Dù đã có tuổi nghề 12 năm nhưng với cường độ tập luyện dày đặc, căng thẳng, đôi khi Văn Đáng rơi vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”.
Vở diễn đầy chất liêu trai, ma quái
Vừa hát vừa diễn rối
Điều đặc biệt nhất ở vở cải lương “Ngạ quỷ” là sự kết hợp đầu tiên giữa hai loại hình nghệ thuật cải lương và múa rối. Những con rối bị quỷ ám. Nghệ sĩ Văn Đáng kể, nửa tháng đầu, chưa có con rối, cả nhóm tập chay hoàn toàn bằng tưởng tượng. Có con rối rồi lại càng khó hơn vì chưa biết điều khiển các khớp tay, cử động cơ thể, chỉ trỏ, đưa chân… như thế nào cho nhịp nhàng với các điệu hát.
Các nghệ sĩ cải lương được các nghệ sĩ múa rối sang hướng dẫn nhưng vẫn không tránh khỏi lúng túng, vụng về. “Từ trước đến nay, lên sân khấu chỉ việc hát, vung tay, đưa chân nhịp nhàng với lời hát. Nay, vừa hát vừa phải múa rối nên nhiều khi cứ mải hát thì quên diễn rối, mải tập trung diễn thì lại quên lời. Nói chuyện với con rối cũng là thách thức, bởi phải xem nó như một con người chứ không phải là vật vô tri vô giác” - Minh Hải chia sẻ.
Nghệ sĩ Văn Đáng một lúc phải diễn cả 3 vai=
Để có được những cảnh diễn rối đẹp mắt trên sân khấu, không thể không nhắc đến công lao của các nghệ sĩ múa rối, những người đã giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, đồng thời cũng góp mặt trong vở diễn khi hỗ trợ điều khiển con rối to nhất. Nghệ sĩ Thanh Tùng (Nhà hát Múa rối Trung ương) chia sẻ, đây cũng là lần đầu tiên anh diễn rối trên sâu khấu cải lương.
Các nghệ sĩ cải lương áp lực bao nhiêu thì bản thân anh cũng… hoảng bấy nhiêu: “Hai nghệ sĩ múa rối điều khiển một con rối to theo lời hát, hành động của một nghệ sĩ cải lương thực sự rất khó. Chúng tôi phải thu lời hát, thu lời thoại của nghệ sĩ cải lương, rồi quay lại hình ảnh nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, các động tác đưa tay, đưa chân… để theo cho chuẩn. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng vô cùng thử thách đối với nghệ sỹ múa rối”.
Sau thành công ban đầu, lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam tự tin mang vở diễn đi tham gia Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2016 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào tháng 11 tới đây.
"Nhiều hôm về nhà, tôi cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người bị điên. Hay đang đêm không ngủ được vì lo quá, tôi lại tỉnh dậy lấy thú bông của con ra vung tay vung chân tập diễn rối một mình”- Nghệ sĩ Văn Đáng.
Cầu nối từ 25 năm dịch, viết
Ở thời buổi kỹ thuật số, báo điện tử và các trang mạng xã hội tràn lan như hiện nay, phải là người dũng cảm và kiên trì lắm mới có thể đọc hết được từng ấy trang sách in. Thế mà dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự vẫn cho ra đời hai tập sách dày cộp cùng một lúc. Chắc lẽ ông phải có cái lý của mình. Theo tôi, đây là một cố gắng trên mức bình thường, nếu không muốn nói là phi thường.
Trong suốt 25 năm miệt mài, làm việc cật lực như một “phu chữ”, dịch giả Lê Bá Thự, một người học đại học, làm thạc sĩ tại Ba Lan rồi làm đến Bí thứ thứ nhất đại sứ quán ta tại nước này, đã cho ra đời một khối lượng tác phẩm văn học dịch đồ sộ, gồm 26 đầu sách giá trị (nhiều đầu sách được tái bản) - tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cười và thơ của nền văn học Ba Lan.
Như vậy, bình quân mỗi năm ông có hơn một đầu sách dịch. Bên cạnh đó ông còn là tác giả của hai tập thơ Hoa giẻ và Đi về ngày xưa. Trong hai tập sách Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết xuất bản lần này, có hàng chục bài giới thiệu, bình luận của chính dịch giả nhà thơ và của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hồng Diệu, Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Ninh Hồ, Văn Giá, Văn Đắc, Trịnh Thanh Sơn, Lê Tuấn Lộc, Đỗ Ngọc Yên, Vi Thuỳ Linh, vv…
Ngoài ra ông còn có nhiều bài viết, tham luận về văn học dịch, chân dung các nhà văn Ba Lan, hàng loạt bài bút ký… Bên cạnh đó là 101 truyện cười đặc sắc, 6 truyện ngắn hay, trên 20 bài thơ dịch của ba nhà thơ lớn Ba Lan (trong đó có hai nhà thơ được giải Nobel), và 47 bài thơ trong tập thơ Đi về ngày xưa ( được gọi là “sách trong sách”).
Phần lớn những tác phẩm văn chương Ba Lan mà ông chọn để dịch ra tiếng Việt đều là những cuốn sách giá trị, được các nhà bình luận văn học đánh giá cao, được bạn đọc Ba Lan mến mộ. Và qua các bản dịch của ông, chúng cũng cuốn hút được độc giả Việt Nam.
Lê Bá Thự đã “chọn đúng và chọn trúng” tác phẩm để dịch, đã “dịch đúng và dịch hay” theo tiêu chí dịch thuật của ông. Lê Bá Thự nói “Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Cái khổ của người dịch là ở đó. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó.
Tác giả viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì và đề tài gì thì người dịch cũng dịch đúng và dịch hay”. Có thể nói ông là một trong số những dịch giả Việt Nam có lượng đầu sách dịch lớn và có chất lượng. Ghi nhận công lao đóng góp của Lê Bá Thự, Tổng thống Ba Lan đã tặng thưởng Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan cho ông.
Lê Bá Thự cho rằng, “dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên bản (bản gốc) bằng ngôn ngữ khác”. Làm việc theo quan niệm như vậy ông đã gặt hái được khá nhiều thành công. Bản dịch tiểu thuyết Hy vọng của Lê Bá Thự đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao Giải thưởng văn học năm 2014.
Trước đó ông cũng đã được nhận nhiều phần thưởng khác như: Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch tiểu thuyết Quà của Chúa (năm 2010); tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2004, 2008) cho những truyện dịch hay nhất năm đã in trong tạp chí này; giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999- 2000); giải thưởng cuộc thi viết của báo Tiền Phong (2002)…
Ngoài dịch thuật, mảng chủ công, Lê Bá Thự còn là một nhà thơ. Hai tập thơ: Hoa giẻ (2002) và Đi về ngày xưa (2016) tuy ra đời vào hai thời điểm cách xa nhau, nhưng cảm hứng xuyên suốt của hai tập thơ vẫn là tình cảm quê hương, những kỷ niệm buồn vui nhưng rất trong sáng, hồn nhiên của một thời trai trẻ.
Hầu hết các bài thơ trong hai tập thơ này đều rất đời thường, mộc mạc mà man mác (nhận xét của nhà thơ Bằng Việt). Với tôi, thơ của Lê Bá Thự là một hành trình đi tìm lại những gì đã mất trong quá vãng. Cái ngày xưa ấy đối với nhà thơ lúc nào cũng ám ảnh sự trinh nguyên, tinh khiết và thánh thiện đến lạ kỳ.
Đọc hai tập sách khá đồ sộ Lê Bá Thự 25 năm dịch và viết người đọc có cơ hội tìm hiểu những thành tựu dịch thuật và sáng tác của ông trên chặng đường văn chương 25 năm qua, cho dù chưa được đọc hết 28 tác phẩm đã in của ông. 25 năm dịch và viết của dịch giả, nhà thơ Lê Bá Thự cũng là 25 năm làm cầu nối: Cầu nối trên lối đi về đi tìm lại những gì một đi không trở lại của tuổi thơ hồn hậu yêu thương và quan trọng hơn là góp phần làm chiếc cầu nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam- Ba Lan.
_____________
(*). Lê Bá Thự: 25 năm dịch và viết. Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2016.
Phạm Thiên Thư - “mối tình” văn xuôi nở muộn
Phạm Thiên Thư bắt đầu xuất bản thơ vào cuối những năm 1960 ở Sài Gòn. Tên tuổi của ông thực sự nổi lên nhờ các bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc như Em lễ chùa này, Ngày Xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng... Tuy vậy, ít ai biết Phạm Thiên Thư đã khởi nghiệp chính bằng văn xuôi từ rất lâu, rồi ông lại bỏ đó để đắm mình vào thơ.
Nhà thơ kể: “Năm 1968, một nhà văn khi đó đang lo bài vở cho một tạp chí văn học nổi tiếng đã đến trường Đại học Vạn Hạnh, nơi tôi đang học, để gặp tôi hỏi xem có gì đăng không. Tôi rất bất ngờ, cảm động và cũng e ngại nữa. Vì tôi mới bước vào nghề văn thơ…!”. Nhà thơ Phạm Thiên Thư trước đó tham gia nhiều hoạt động yêu nước, bị chính quyền cũ nghi ngờ làm cách mạng nên ông ẩn dật trong chùa, xuống tóc làm sư. Ông đưa truyện ngắn “Ôi, cây cỏ thu”. Sau đó, truyện ngắn ấy được đăng.
Kể từ ngày in xong truyện ngắn đầu tay, Phạm Thiên Thư lao vào viết thơ. Ông xuất bản rất nhiều tập thơ từ thơ tình đến “Từ điển cười” (24.000 bài tứ tuyệt tiếu liệu pháp). Năm 2007, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao cho ông kỷ lục là người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ. Như ông tâm sự thì tác phẩm của ông hiện tổng cộng khoảng 400.000 câu thơ.
Giờ đây, cầm trong tay tập văn xuôi đầu tiên, mỏng vỏn vẹn có 110 trang, với 12 truyện, được ông viết từ năm 1968 tới nay, thi sĩ nói: “Tôi như có một món nợ lớn với văn xuôi mà không trả được. Nay thì đã khác”.
Văn xuôi với thi sĩ Phạm Thiên Thư như một “dấu lặng”, một phút tịnh tâm giữa công việc làm thơ mà rất hiếm khi có được. Ông kể lại việc viết văn xuôi lúc nửa đêm như sau: “Bây giờ đúng ba giờ đêm. Mỗi vị sư là một thế giới tĩnh mịch, mà mỗi gian phòng là những cảnh giới vũ trụ riêng biệt. Quý thầy ngủ yên ấm như một bóng trăng hiền từ trong giọt sương” (truyện “Ngã pháp mây nổi”). Những khi ấy, tác giả ngồi và viết thật nhanh, rồi… để đó, rồi lại làm thơ.
Đọc tập truyện đầu tay của nhà thơ đã ở tuổi gần 80, người ta có thể thấy một Phạm Thiên Thư nhìn đời với con mắt nhiều tìm tòi khám phá với bao điều mới lạ quanh cuộc sống giản dị của mình. Tác giả tâm sự: “Tôi học hỏi được rất nhiều từ các vị sáng tác tiền bối, bạn bè. Mỗi người thường giúp đỡ và động viên tôi viết lách một cách tế nhị”.
“Cơm có thịt” ?
Cũng như mọi thể loại phim hiện nay ở ta, cảnh nóng vẫn không thế thiếu trong “Cô hầu gái”, Nhung Kate diễn viên chính của phim ngay lập tức đã được quảng cáo “cô hầu gái” nóng bỏng nhất màn ảnh Việt. Đạo diễn khẳng định sự cần thiết của cảnh nóng: “Tôi xin cam đoan rằng, những “cảnh nóng” trong “Cô hầu gái” là rất cần thiết chứ chúng tôi không sử dụng điều đó để hút khách hay câu view”. Nhưng đã bao giờ cảnh nóng không cần thiết?
Được mệnh danh là “bà hoàng cảnh nóng” kiêm nhà sản xuất phim, Trương Ngọc Ánh cũng từng nói: “Thường tôi không bỏ những cảnh nóng bỏng vào phim chỉ để phục vụ yếu tố câu khách mà các yếu tố nóng bỏng trong phim phải phù hợp với cái câu chuyện và bối cảnh trong phim”. Tuy nhiên, lúc nào đạo diễn hoặc nhà sản xuất, diễn viên cũng tìm ra lí do để bảo vệ: cảnh nóng trong phim cũng giống như “cơm nên có thịt” .
Ngay trong bộ phim “Hương ga”, thuộc thể loại tâm lí hành động, hành động chiếm 70 %, còn lại là cảnh nóng. Nhưng bỏ qua sự thấy cần thiết của những người làm phim, khi ra rạp “Hương ga” vẫn bị cắt nhiều cảnh đốt mắt. Đạo diễn bộ phim bật mí càng khuyến khích sự tò mò của khán giả: “Những cảnh nóng bị cắt là những cảnh khiến ai xem cũng đổ mồ hôi”. Có lẽ, các đạo diễn phim Việt nghĩ rằng, đổ mồ hôi cũng…tốt cho sức khỏe của khán giả?
Bộ phim tâm lí tình cảm “Trót yêu…” của đạo diễn Châu Thổ - Việt Trinh, cứ ngỡ sẽ lành, vì Việt Trinh bấy lâu nay hay làm phim mang đậm hơi hướng Phật giáo. Nhưng không, đã đụng đến yêu đương thì Việt Trinh cũng “nóng” như ai. Và bộ phim ngay lập tức được cộp “mác” 16+ đi kèm khẳng định của Việt Trinh: “Cảnh nóng của tôi vừa đủ hiệu quả”. Với “Mùa hè lạnh” cảnh nóng được đạo diễn Ngô Quang Hải tiết lộ quay đi quay lại từ 10-15 lần.
Dù phản ánh của khán giả là phim đông cảnh nóng, quên mất nội dung nhưng đạo diễn vẫn bào chữa: “Tôi chỉ chắt lọc những gì cảm xúc nhất vào trong phim”. Đặc biệt trong “Mùa hè lạnh” tiếng thở khi yêu của diễn viên Lý Nhã Kỳ mạnh đến mức làm lấn át mọi âm thanh khác. Phần đa khán giả thấy xấu hổ thay, có lẽ đi ngược lại với mong muốn của đạo diễn: “Tiếng thở của Lý Nhã Kỳ trong cảnh nóng mạnh hơn, căng hơn và với tôi thì nó rất thật. Tôi muốn khán giả ấn tượng với tiếng thở đó”.
Bây giờ tìm phim không sốc, không sex mới hiếm. Chẳng có gì ngạc nhiên, bị “đỏ mặt” thường xuyên khi xem phim Việt, khán giả lại thèm những xúc cảm trong lành, thanh khiết. Thế là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra đời rồi thắng lớn. Xem xong “hoa vàng, cỏ xanh” “thượng đế” không khỏi ngại ngần khi nghĩ tới những “bữa cơm” nhất định phải có “thịt”.
Dì và Năm
Trước giờ chưa từng gặp cảnh cứu người đột ngột, nên tôi hơi lập cập. Dì nói nhỏ như cơn gió, chỉ tôi, “lấy trà trong tủ, pha trà đường; lấy chai dầu dì để trong tủ…”. Tôi chạy lạc xạc trong nhà. Mấy người ở cùng nhà, là em, là cháu, là máu mủ ruột thịt của dì, cũng như tôi. Họ nhìn tôi, không nói. Nhưng họ hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Như quán tính, tôi móc điện thoại gọi Năm. Năm nói chuyện tỉnh bơ, như Năm không ngủ, như Năm luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng nghe cuộc gọi của tôi, như Năm sẵn sàng cầm súng hồi kháng chiến. Năm chống cây nạng đi vào, tụi nhỏ gặp, không chào, im lặng. Năm lại kế dì, nắm tay dì, hỏi, “Bà đỡ chưa?”. Dì thì thào gì đó trong miệng, tôi nghe không rõ, nhưng Năm gật đầu.
Năm lấy khăn lau mặt, có cả lau nước mắt. Rồi lấy hộp dầu cù là trong túi, thoa lên bàn tay lạnh ngắt của dì. Năm đi vào bếp lục đục nấu cháo. Như Năm quen lắm từng ngõ ngách cái nhà này. Như thuộc cả nơi để đường để muối. Cháo vừa chín, Năm mang ra, đỡ dì dậy, múc từng muỗng đút dì ăn. Tôi ngồi xuống đất, nhìn Năm, Năm lấy cây quạt, quạt cho dì, có chút gió bay đến mặt tôi, gió nhè nhẹ thôi, nhưng lạnh…
Mẹ tôi kể, hồi mẹ mới sinh, dì thoát li đi theo Giải phóng. Ông ngoại đang là sĩ quan Sài Gòn, nghe con gái theo quân Giải phóng. Ông nổi nóng, móc súng bắn lên nóc nhà, buông ra lời thề, gặp dì ở đâu, bắn nát sọ ở đó. Bà ngoại khóc hết nước mắt, lặng lẽ, giấu ông ngoại đi về Gò Công cúng giỗ cố. Thật ra đó là nỗ lực cuối cùng của ngoại, cố tìm lại đứa con, để nhìn nó. Chỉ nhìn thôi, không nói.
Vì khi mấy ông em ruột của ngoại, là dân Giải phóng, chèo xuồng cho ngoại vào căn cứ gặp dì, ngoại đã khóc suốt cả đường đi. Như gửi những giọt nước mắt bưng biền kinh rạch vào đất đai trầm thủy để con mình lần theo đó mà nhớ từng bờ ao ngọn cỏ quê mình. Vào căn cứ gặp dì, hai mẹ con ôm nhau khóc, không nói được một lời. Đến lúc ra về, ngoại để lại cho dì đôi bông mù u, như của hồi môn. Và mấy chai dầu gió để phòng khi đau yếu. Ngoại bịn rịn, ngoại về!
Dì ở cùng đơn vị với Năm, Năm là Trung đội trưởng của dì. Sau ngày ngoại vào thăm, Năm giới thiệu dì vào Đảng. Trong đơn vị lúc này có người dị nghị, không đồng ý để dì đứng vào hàng ngủ Đảng vì “Diệu là con của sĩ quan Sài Gòn!” Nhưng đơn vị xem xét, thấy hợp lý, nên kết nạp. Từ ngày vào Đảng, dì và Năm sát cánh bên nhau, băng rừng vượt núi, hụt chết dưới tầm pháo giặc mấy lần.
Trong chiến tranh, không ai đoán trước số mạng của mình, cái chết như kề bên, như bạn, như thù, thân quen từng giọng cười tiếng nói. Vậy nên cái chết trở nên bình thường. Vượt qua đạn bom, mạng sống được đem ra phơi trước mặt, đối diện sống và chết. Vượt qua nó, người ta quý nhau, yêu nhau thật hơn, bằng cả trái tim và nước mắt.
Ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Năm không phải người dì yêu và dì cũng không phải người Năm yêu. Điều đó được đơn vị chứng minh bằng một buổi tiệc cưới nho nhỏ tại căn cứ. Đơn vị đứng ra làm đám cưới cho Năm với người yêu của Năm; dì với người yêu của dì. Đám vừa tan tiệc, bom đạn vô tình đánh xuống miệng hầm trú ẩn, tạo thành một cái hố to, như có bàn tay ác quỷ vừa nhận xuống đất, để lại lòng đất cái dấu tay hung bạo, lở loét, đau thương.
Nhưng cái dấu hung bạo ấy, phá vào tim dì một vết thương to bằng bầu trời thăm thẳm. Người yêu của dì mở nắp hầm ra lấy xấp hồ sơ bỏ quên, bị miếng đạn vô tình xuyên qua tim, ngã vào lòng đất mẹ. Hơi thở vụt bay lên trời, vệt máu loang đỏ mặt đất trong ngày tân hôn còn ấm áp. Người yêu của dì hy sinh trước mắt dì. Con tim dì co lại, rồi lại đập liên hồi như muốn xé lồng ngực bay ra… Dì ngất đi rồi lại tỉnh không biết bao nhiêu lần…
Từ ngày đó, Năm hay tới lui, chăm sóc cho dì. Vợ Năm cũng vậy. Rồi miền Nam giải phóng. Đất nước bước vào giai đoạn khó khăn, dì và vợ chồng Năm chung tay cùng bà con trong xã may vá vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, kiến thiết đất nước. Họ cống hiến quên cả bản thân mình. Chính cái lúc bình yên này, không còn tiếng đạn bom, không còn phải sợ thình lình chết, người ta có khoảng thời gian rộng hơn.
Chính cái thời gian rộng ấy làm người ta để ý, tưởng tượng và thầm thì với nhau về “mối tình tay ba” của dì, Năm và vợ Năm. Mặc kệ thiên hạ, họ vẫn bình tâm, sống và sống tốt. Nhưng cái “phụ nữ” trong vợ Năm trỗi dậy. Bà thủ sẵn dao phay, lưỡi lam, a – xít… Nhưng khi đến nhà dì, nấp bên ngoài nhìn vào căn nhà lá ấy, bà lại không có cái cớ gì để trút cơn ghen đang sôi ùng ục lên dì.
Bà thấy lòng mình như rộng hơn. Rồi bà lặng lẽ ra về. Chắc khó khăn lắm mới nói lên được những điều kỳ lạ với luật đời mà trái tim đã kêu bà nói đi. Chắc nằm trằn trọc lắm, lương tâm và xã hội giằng co lắm trước khi bà mở lời với Năm:
- Ông à, hay là, ông cho cô Diệu một… đứa con. Dù sao, cổ cũng cần có một đứa con để khi tuổi già có người phụng dưỡng.
Năm nhìn vợ, không nói, nhưng lắc đầu, thở dài. Tiếng thở dài của Năm chất chứa biết bao điều, mà đớn đau nhiều hơn là hạnh phúc. Hơi thở như muốn bốc cháy, như muốn bay lên thật cao chứ không hề rơi xuống mặt đất quê hương nhiều vết thương bom đạn. Năm hút liền mấy điếu thuốc, vẩn vơ khói, ý nghĩ cũng ngoằn nghoèo, rối bời như khói, nắm lấy khói trong tay dễ ợt, thấy nhẹ hều vậy mà mù mờ, khó gỡ.
Từ đó, Năm dạy mấy đứa con, phải coi dì như mẹ ruột của mình. Không cần dạy, mấy đứa cũng đã coi dì là mẹ. Dì săn sóc, ẵm bồng từng đứa khi tụi nó còn đỏ hỏn. Dì thức trắng trong bệnh viện khi tụi nó bệnh. Rồi khi lớn lên, một tay dì kiếm nơi kiếm chỗ, dắt vợ Năm đi coi mắt, gả cưới đàng hoàng cho từng đứa. Dì lại tiếp tục cùng vợ chồng Năm chăm sóc con mấy đứa như chăm sóc cháu ruột của mình… Người đời nhìn thấy mà lắc đầu: “Kiếm được ba người như mấy ổng bả, cũng đâu phải dễ”.
Nghe đến câu nói đó của thiên hạ, là đám em của dì sôi máu. Tụi nó đua nhau ghét bỏ, chửi rủa dì và vợ chồng Năm. Thằng em út, đứa mà dì nuôi từ hồi bà ngoại mất, cậu mới ẵm nách tới lớn, tới già đầu. Vậy mà cậu vẫn nỡ dầm nát trái tim dì bằng những câu độc địa:
- Bà tối ngày lo cho thiên hạ, tới nữa bà già, bà đi cạp đất ăn. Bà làm thiên hạ cười trên đầu tui bà mới hả dạ hả?
Dì im lặng và chỉ biết khóc. Tiền hưu trí của dì, bao nhiêu dì cũng để dành cho cậu làm ăn, cho dì uống thuốc, đi chùa… Nhưng dì chưa để thừa ra một đồng nào để dì phung phí cho mát tay. Dân kháng chiến, quý từng hạt gạo, nắm muối. Cái tính đó đã ăn sâu vào máu của dì. Đến giờ, dì vẫn vậy.
Nhưng vậy, có tốt hay không? Khi người đời vẫn hầm hầm, không chịu. Biết làm sao cho họ chịu. Dì đã dành hết cả tuổi thanh xuân để giải phóng quê hương, dành hết niềm vui, hạnh phúc gia đình cho những người thân yêu nhất của dì, dì dành cả những giờ phút nghỉ ngơi của người về hưu trí cho con cho cháu. Nhưng họ lại muốn dì theo một cái khuôn, cái khuôn thiên hạ vẽ ra, ngoằn ngoèo mà cứ nói là thẳng băng, có mấy ai làm được vẹn toàn. Họ không quan tâm dì, rồi đổ là dì không tròn vẹn.
Mấy lần Năm ra nhà, đem con cá lóc, nấu cháo cho dì ăn, nói “của bả gửi tặng bà”. Mấy cậu nghe, nói “nghe ổng nói, thấy chua tới bản họng, muốn dọng liền”. Nhưng trái tim tôi cảm nhận, thấy lời Năm nói ngọt làm sao, ngọt như vị cháo cá lóc đồng Năm nấu, có thêm vị gừng, giải cảm thiệt hay. Ghét Năm, không biết làm gì, cậu giấu cây nạng gỗ của Năm.
Năm không có cái chân phụ đi, Năm lê chân đi cà nhắc một cách khó khăn về nhà. Nhưng Năm vẫn đi, không hề than vãn. Chiến tranh cướp mạng sống con người như cơn thác dữ vỡ bờ Năm còn không sợ, còn vượt qua. Lửa đạn na pan biến chân Năm thành cục thịt nướng khét đen Năm còn gắng bước qua năm tháng. Vậy thì chút ít đùa cợt vô tâm của cậu, có làm Năm hết thương, hết tình hết nghĩa được hay không?
Nhìn theo dấu lết của Năm trên con đường đất nóng đổ lửa. Tôi thấy trái tim mình đập thật mạnh, như bàn chân của đứa trẻ, không chịu, đạp vào lồng ngực thình thình. Nhưng Năm lại khác. Năm không nói gì cả, Năm chỉ im lặng. Cũng vì Năm im lặng, nên thiên hạ mặc sức mà vẽ rồng thêu phụng. Như trái tim cũng vậy, có bao giờ trái tim lên tiếng đâu. Nhưng trái tim lại là thứ thành thật nhất!
Tôi nghĩ, dì cũng cần có một chỗ dựa, cần có một tình yêu, cần có một người yêu, cần có một đứa con như bao người khác. Người ta, và có cả tôi đôi lần nghĩ dì với Năm là vợ chồng chắp nối. Nhưng cái ý nghĩ đó là điều ác nhất tôi từng đối xử với dì và với Năm. Ở tuổi tôi, kinh nghiệm đời của tôi, của một đứa con trai chưa kinh qua lửa đạn thì chưa thể biết tình yêu bao la đến cỡ nào…
*
* *
Năm kêu xe chở dì lên bệnh viện, cả nhà bắt đầu rục rịch. Định đứng ra cản, nhưng cản rồi, lỡ dì đổ bệnh, ai nuôi. Họ im lặng, để Năm chở dì đi. Dì yếu ớt, Năm quọt quẹt kè nhau lên xe. Năm rút cây nạng lên xe, xe lao về phía bệnh viện tỉnh. Tôi xách xe máy chạy theo. Trên đường chợt nghĩ: Xin số kiếp hóa sao, cho dì, Năm, vợ Năm đến tuổi cưỡi hạc quy tiên cùng ngày cùng tháng cùng năm. Cùng nắm tay đi gặp mấy đồng chí đồng đội. Cho họ ở có nhau, đi có nhau, cho trọn tình trọn nghĩa, cho lòng mạnh mẽ vượt qua sóng bão cuộc đời…
Viết về những điều tốt lành trong cuộc sống giờ hình như hiếm hoi? Lại viết nhuần nhị, giản dị và không lên gân, càng hiếm hoi hơn. Lê Quang Trạng đã làm được điều đó. Truyện ngắn đủ thấm thía, và đủ đau. Đau cái đau ngọt ngào của tình người, tình đồng đội. Và cả nỗi đau với những vô tâm, những suy diễn từ những cái đầu tầm thường, thấp kém.Lê Quang Trạng, cây bút trẻ nổi bật ở An Giang. Anh làm thơ, viết truyện ngắn.
L.A.H
'Sự khắt khe của công chúng đã tạo nên giá trị hoa hậu'
Các khách mời tham gia chương trình gồm nhà sử học Dương Trung Quốc - Trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương, bà Lưu Nga - thành viên hội đồng chuyên môn của Hoa hậu Việt Nam 2016, nhà văn Hoàng Anh Tú và Th.s Báo chí Việt Hà.
Thi Hoa hậu để làm gì?
Không xuất hiện tại trường quay, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, ông Lê Xuân Sơn chia sẻ với VTV: “Để tổ chức một sự kiện mang tầm vóc như vừa qua và với những hoạt động trải dài khắp đất nước thì cần kinh phí tương đối lớn. Sẽ là lãng phí nếu chúng ta nghĩ rằng cuộc thi này không mang lại lợi ích gì. Nhưng thực tế, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mang lại lợi ích nhiều mặt: quảng bá đất nước con người Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp các cô gái Việt Nam, những địa phương có sự kiện của cuộc thi được quảng bá rất mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông trong một thời gian rất dài và các đơn vị tham gia tài trợ cũng được truyền thông tích cực...”.
Sau đó, với câu hỏi mà chương trình đặt ra: “Mục đích các cuộc thi hoa hậu để làm gì?”, các khách mời đã có những lý giải khác nhau.
Bà Lưu Nga cho rằng: “Mục đích của mỗi cuộc thi Hoa hậu khác nhau nhưng tất cả đều dành để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Rất rõ ràng, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích đó và hướng đến chân, thiện mỹ, sắc đẹp, tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và sự lan tỏa các hoạt động cộng xã hội”.
Trong khi đó, TS khoa học Đoàn Hương chia sẻ: “Tôi nghĩ thi hoa hậu là cần thiết, không thế thì thế giới đã không tổ chức. Nhưng ở Việt Nam có nhiều vấn đề. Như chị Lưu Nga nói tôn vinh vẻ đẹp thì có thể, nhưng trí tuệ và tài năng thì tôi nghi ngờ. Ví dụ phần thi ứng xử của Hoa hậu Việt Nam vừa rồi quá non. Thứ hai người ta đưa nghi án tổ chức thi hoa hậu vì tiền. Một cuộc thi vì tiền thì người ta mới tổ chức nhiều thế, nếu không thì ai làm trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay”.
Bà Lưu Nga lật lại vấn đề: “Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều khách quốc tế, khi họ hỏi người phụ nữ nào đại diện cho đất nước Việt Nam, đại diện cho sắc đẹp và trí tuệ của đất nước Việt Nam, nếu không có cuộc thi hoa hậu thì ai sẽ là người đại diện?”.
Tuy nhiên, TS Khoa học Đoàn Hương nói: “Ước muốn của các nhà tổ chức quá cao, trong khi đó những người này hoàn toàn không đại diện cho phụ nữ Việt Nam được”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc lại nhẹ nhàng nêu quan điểm: “Tôi không phải là nhà tổ chức, tôi chỉ là người tham gia với tư cách giám khảo, nhưng tôi thấy tổ chức thi hoa hậu ít nhất đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nó mang lại một đời sống giải trí một cách lành mạnh, và đằng sau nó có những giá trị về giáo dục, về định hướng, ví dụ ai cũng cũng phải chăm sóc vẻ đẹp của mình, ai cũng biết xã hội phải quan tâm đến cái đó để mà đáp ứng…
Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt, hiện tượng là nhu cầu xã hội thực, còn ta làm hiện tượng ấy nó diễn ra như thế nào lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Đương nhiên, trước hết là BTC, rồi BGK, thành phần tham gia, kể cả những nhu cầu xã hội”.
Hoa hậu cần làm gì trước những cám dỗ bủa vây?
Khi bàn về những scandal liên tiếp bủa vây các người đẹp, hoa hậu, TS Đoàn Hương lên tiếng: “Đừng nói rằng họ bị áp lực, vì áp lực là chung cho cả xã hội. Một khi họ trở thành con người của công chúng thì họ phải chấp nhận, nếu không chịu được họ phải trả lại vương miện. Nhiều người cho rằng, nước ta còn nương nhẹ khi không tước vương miện”.
Trước quan điểm này, bà Lưu Nga bày tỏ: “Chúng tôi không phải đơn vị tổ chức, chúng tôi chỉ đại diện cho công chúng. Chình vì vậy chúng tôi không có quyền tước vương miện, chúng tôi cũng không có quyền giữ lại vương miện. Tôi rất tôn trọng dư luận nhưng tôi nghĩ chúng ta cần đặt ra câu hỏi: các em phải làm gì với dư luận đó? Nếu các em làm ngơ với dư luận thì thực sự các em không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của một Hoa hậu. Với tư cách là người đi trước, tôi mong muốn các em nắm được sứ mệnh cao cả của mình và làm những điều tốt đẹp hơn, hướng đến mục đích tốt đẹp hơn. Nếu công chúng còn chỉ trích hay còn kì vọng, có nghĩa vẫn còn cơ hội cho các em”.
Trưởng ban Giám khảo, ông Dương Trung Quốc chia sẻ: “Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm khi cuộc thi Hoa hậu đầu tiên do báo Tiền phong tổ chức và người đăng quang là Hoa hậu Bùi Bích Phương, mọi thứ rất tốt đẹp. Hay các người đẹp sau đó cũng để lại ấn tượng tốt với công chúng. Ngày nay, khi những biến tướng xảy ra phần nào phản ánh mặt bằng chung của xã hội. Năm nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cộng rất nhiều điểm cho các thí sinh trong các dự án Nhân ái. Các em về các vùng miền làm dự án thắp sáng đèn đường, đào giếng, làm khu vui chơi… thì đó là BTC cố gắng tiệm cận những điều mà chúng ta mong muốn”.
Trả lời câu hỏi của MC chương trình, bộ tiêu chí cho Hoa hậu có thực sự phù hợp với mục đích tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, ông Dương Trung Quốc nói: “Tiêu chí không thể đứng yên một chỗ, thời đại thay đổi rất nhiều. Ví dụ thế nào là vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp tự nhiên của 20 năm trước sẽ rất khác. Nhu cầu làm đẹp rất chính đáng của các bạn trẻ thì chúng ta sẽ đòi hỏi cho các bạn tham gia ở mức độ nào được gọi là tự nhiên. Khi báo chí hỏi chúng tôi có đảm bảo được chọn người xứng đáng, hoàn hảo, BTC hay Ban giám khảo không phải thầy bói, thầy xem tướng dù chúng tôi cố gắng căn cứ chọn theo những tiêu chí tốt nhất. Chính vì vậy, giai đoạn sau mới là giai đoạn quan trọng, quyết định. Như chúng ta đã thấy, ngay cả trên thế giới, ở một số cuộc thi họ có văn bản, kí kết có giá trị pháp lý rằng buộc nhưng không ít Hoa hậu biến mất ngay sau cuộc thi.
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, anh thấy buồn khi các người đẹp dễ bị dư luận mổ xẻ: "Nghe những điều đó tôi cảm thấy đó là sự xúc phạm. Nói theo cách dân dã là “giật tóc móc mắt”. Bất cứ thí sinh nào cũng bị đem ra bình phẩm. Khi Mỹ Linh trở thành hoa hậu, cô phải đóng Facebook".
Khách quan, nhà báo Việt Hà đánh giá: “Bản thân truyền thông tạo ra tiêu chí cho vẻ đẹp. Truyền thông đừng kì vọng và đừng tạo ra tiêu chuẩn vẻ đẹp cho phụ nữ Việt. Ví dụ không phải cứ cằm V-line mới là chuẩn của đẹp… Chúng ta nên tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên, xem đó như món quà họ mang lại cho xã hội. Chúng ta cũng nên bao dung hơn với những cô gái trẻ, bớt khắt khe hơn”.
Bà Lưu Nga cho rằng ở đâu cũng có dư luận tốt, xấu và bằng chứng là vẫn có những hoa hậu có ảnh hưởng tốt như Đặng Thu Thảo, Mai Phương Thúy, Ngọc Hân... Theo bà, chính sự khắt khe của công chúng đã tạo nên giá trị hoa hậu.,
Ông Dương Trung Quốc phần nào đồng tình, cho rằng sự khắt khe trong dư luận là cần thiết nhưng trong sự khắt khe cần có sự chia sẻ.
Hầu hết các khách mời đồng tình và cho rằng Hoa hậu nên có sự tư vấn của những người có kinh nghiệm, có chuyên môn để hình ảnh của mình trở nên tốt hơn gắn với những hoạt động ý nghĩa hơn trong xã hội.
Kết lại, ông Dương Trung Quốc chia sẻ: “Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có truyền thống hơn 20 năm và phải nói rằng nó có những bước đi rất tốt. Bản thân BTC luôn mong muốn giữ được truyền thống tốt đẹp đó nhưng ngược lại chúng ta chịu sự chi phối của mặt bằng xã hội. Nó có sự phát triển nhưng cũng có sự suy thoái đặc biệt là về mặt đạo đức xã hội. Chính vì vậy, sau cuộc thi BTC cố gắng theo sát và có những tư vấn để Hoa hậu hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong 2 năm trước khi trao vương miện cho người đẹp kế nhiệm khác”.
Đỗ Quyên
Vietnam Fashion Week: Xanh mướt xuân hè châu Á nhiệt đới mới
Mở màn là BST của GenViet Jeans. Vẫn với chất liệu Jeans đầy thách thức và những khó khăn của thị phần hàng may sẵn, GenViet Jeans cho ra đời một dòng sản phẩm thuyết phục vì những thiết kế thông minh và đơn giản nhất. Áp dụng công nghệ in chuyển tiếp trên Jeans đã tạo nên một hiệu ứng thú vị bởi sự cân bằng màu sắc một cách tự nhiên.
Hải Siêu là NTK là trẻ tuổi nhất hiện nay. Anh giới thiệu BST phát xuất từ truyền thống sức trẻ vươn ra ngoài tầm kiểm soát và có tính độc lập cao.
Hảo Nguyễn – Hoài Phương thì xây dựng phong cách những chàng trai từ trang phục của những người thợ xây dựng. Hai NTK Sử dụng chất liệu cotton và linen để phù hợp với thị hiếu của giới sành điệu. Một ý tưởng ngộ nghĩnh và thú vị.
Đỗ Trịnh Hoài Nam lần đầu tiên giới thiệu BST ready to Wear tại Vietnam Fashion Week đã chứng minh sự dạn dày của mình. Những gam màu đối lập phối hợp cùng phong cách của những quí bà thập niên 60 tạo nên hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ và kiêu hãnh bởi vẻ nữ quyền.
Hiền Đặng gởi tặng mùa Xuân Hè 2017 một bài thơ của những thiếu nữ trong tranh của họa sĩ người Pháp Georges Seurat. Những thiếu nữ mơ mộng đang yêu trong khu vườn mùa hạ nhiều nắng và cây xanh.
Phạm Hữu Sang thì thể hiện một ngày mới mùa hè với nhiều cung bậc cảm xúc của buổi sáng, trưa, chiều, tối. Màu sắc cũng chuyển động theo cảm xúc của thời gian, chính vì thế Phạm Hữu Sang đã kể một câu chuyện một ngày mới rực rỡ với nhiều hy vọng.
Lần thứ hai giới thiệu BST tại Vietnam Fashion Week, Duy Nguyễn tiến bộ bất ngờ trong cách tạo dòng sản phẩm veston nam cao cấp. Mạnh dạn chọn chất liệu tự nhiên và thêu nỔi 3D đã làm cho veston trở nên lãng tử mà vẫn giữ được vẻ lịch lãm vốn có. Kỹ thuật veston vững chắc đã giúp Duy Nguyễn tạo nên hình ảnh khác biệt đặc sắc của veston nam.
Với cách xử lý đường nét để tạo ra một graphic sống động và thể hiện khuynh hướng thời trang một cách rõ nét, NTK Duyên Hương nắm giữ cảm xúc của khán giả bằng nhịp điệu của BST. Nét nữ tính thanh thoát hòa tan trong vẻ gợi cảm xoa dịu những ánh nắng gay gắt của mùa hè nhiệt đới.
Đặc biệt, xuân hè 2017 từ ánh nhìn của NTK Minh Hạnh là những chú cánh cam và chuồn chuồn tung tăng trên những chồi là xanh non trong khu vườn của xứ nhiệt đới mới. Những gì thiên nhiên nhiên ban tặng luôn trở nên quý giá hơn bởi sự sáng tạo của các NTK tài năng.
Đêm thứ ba của Tuần lễ Thời trang Xuân hè 2017 kết thúc bằng không gian rừng cọ. Khán giả nấn ná ở lại chụp ảnh cùng những cây cọ độc đáo. Đêm cuối của Tuần lễ Thời trang lần này, 2/10 sẽ là sự lên ngôi của những thiết kế duy nhất dòng Haute Couture.
Cùng chiêm ngưỡng BST dòng Ready To Wear của các NTK trong buổi tối 1/10:
Để liên hoan du lịch không phải chợ phiên
Giảm gian hàng, tăng chất lượng trưng bày
Số lượng gian hàng tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 giảm nhiều so với hai kì trước, chỉ còn 260. Nếu so với 450 gian hàng của năm 2014, tỉ lệ giảm gần 45%. Điều này đồng nghĩa Ban tổ chức (BTC) đã nỗ lực trong việc lựa chọn đơn vị tham gia, hạn chế tính thương mại thuần túy của các gian hàng, nhất là khu vực ẩm thực. Cũng nhờ thế mà không gian Liên hoan Du lịch Làng nghề Truyền thống năm nay thoáng đãng, văn minh hơn, hợp với địa điểm tổ chức- Hoàng Thành Thăng Long.
Một khác biệt nữa là cách trưng bày đơn điệu, thiếu điểm nhấn và phó mặc cho các đơn vị tham gia về nội dung đã được thay thế bằng cách trưng bày trọng điểm. BTC xác định 7 làng nghề tiêu biểu để tập trung quảng bá, đặc biệt ưu tiên cho hai làng nghề đang khai thác tốt về du lịch là làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng. Khu vực tái hiện không gian làng lụa Vạn Phúc và gốm Bát Tràng được đặt ở trung tâm quảng trường Đoan Môn, phô diễn những nét tinh tế và cuốn hút nhất của hai làng nghề hàng trăm năm tuổi này. Trong khi đó, khu vực thao diễn của các nghệ nhân cũng được ưu ái về vị trí, từ chi tiết nhỏ như hệ thống chiếu sáng vào buổi tối và lều bạt tránh nắng vào ban ngày, đảm bảo luôn là nơi thu hút lượng khách tham quan đông đúc nhất.
Về sự tôn vinh có chiều hướng “thiên vị” này, ông Lê Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng cách làm này nhận được sự ủng hộ của số đông. Bởi giữa hàng trăm làng nghề truyền thống của Hà Nội, không thể phát triển dàn trải và ồ ạt mà cần tính đến các lợi thế về dịch vụ như môi trường văn hóa, hạ tầng giao thông, vị trí địa lý, tính thị hiếu theo các thị trường khách quốc tế… “Cần ưu tiên đầu tư với những làng nghề tiềm năng để thúc đẩy sự đột phá. Khi một điểm du lịch làng nghề được đầu tư xứng đáng để khai thác các lợi thế, xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, thu hút khách mạnh và bền vững thì những làng nghề khác tự khắc sẽ có động lực và đường hướng để phát triển” – ông Lê Duy Dần chia sẻ.
Làng nghề vẫn chưa biết làm du lịch
Bên cạnh những đổi mới khác biệt ở khu vực trưng bày “lõi”, khu vực gian hàng của các làng nghề truyền thống khác, nhất là làng nghề các tỉnh thành vẫn mang nặng tính “chợ phiên”, cốt bày hàng bán cho khách tham quan, thiếu tính năng quảng bá giới thiệu sản phẩm để thúc đẩy mối liên hệ với khách hàng tiềm năng trong đầu tư thương mại và dịch vụ du lịch. Duy có hai điểm sáng là gian hàng của Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương và gian hàng nhóm sản xuất Hoa Ban Cộng thuộc làng nghề thổ cẩm Mai Châu – Hòa Bình.
Gian hàng của Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương tuy không khéo léo trong trưng bày nhưng cung cấp đủ thông tin tổng quan cần thiết cho khách du lịch, từ các địa điểm làng nghề, các cơ sở sản xuất uy tín, bản đồ du lịch tỉnh, các địa chỉ lưu trú và ẩm thực có uy tín, không gian văn hóa quanh khu vực làng nghề…, cả số điện thoại liên hệ cầm tay của ông giám đốc trung tâm. Trong khi đó, gian hàng của Hoa Ban Cộng chia làm ba khu vực nhỏ rõ rệt: khu vực bày sản phẩm thổ cẩm bán cho khách du lịch, khu vực dành cho khách có nhu cầu tìm hiểu, đặt hàng hay khai thác dịch vụ du lịch, khu vực thao diễn dệt thổ cẩm thủ công truyền thống. Hầu hết khách tham quan nước ngoài đều dừng lại rất lâu tại đây, ngắm nghía bàn tay và đôi chân khéo léo của người thợ làng nghề bên khung dệt.
Bà Vi Thị Thuận, đại diện nhóm sản xuất Hoa Ban Cộng cho hay, nội dung trưng bày do đơn vị chủ động lên kế hoạch chứ không có sự tư vấn nào từ BTC. Hoa Ban Cộng vốn đã làm du lịch tại Mai Châu, giới thiệu sản phẩm tại sân bay nhiều năm qua nên không xa lạ với cách tiếp cận du khách sao cho hiệu quả. Trong khi ấy, những đơn vị khác vừa không có kinh nghiệm lại không được định hướng, tư vấn cách làm thì khá lúng túng và bị động. Bà Thuận cho biết: “BTC rất ưu ái, hỗ trợ 100% phí gian hàng và phí đi lại song cái mà các đơn vị tham gia cần hơn nữa là hỗ trợ về truyền thông và quảng bá, cách thức trưng bày, tiếp cận khách hàng”.
Về mặt này, ông Lê Duy Dần cho rằng, khâu quảng bá thông tin đúng là có hạn chế do kinh phí eo hẹp. “BTC rất nỗ lực rồi. Phần còn lại thì các làng nghề cần chủ động và năng động hơn vì lợi ích của chính họ”.
Lữ hành chủ động tương tác với làng nghề
Theo quan sát của ông Lê Duy Dần trong 4 ngày liên hoan, tính chủ động tương tác của phía lữ hành trong việc tìm kiếm những yếu tố mới để xây dựng các tour du lịch làng nghề truyền thông đã tiến triển rõ rệt. Nhiều yếu kém của làng nghề được các đơn vị kinh doanh lữ hành chỉ ra đích đáng ngay tại các gian hàng như: sản phẩm đơn điệu, mẫu mã ít, không cập nhật xu hướng thủ công mỹ nghệ đương đại, giá đắt, thao diễn chế tác chưa hấp dẫn… Phía lữ hành cũng đưa yêu cầu khá cụ thể đối với làng nghề muốn phát triển du lịch, từ việc gia tăng sản xuất những mặt hàng lưu niệm giá cả phải chăng, khai thác ẩm thực truyền thống của địa phương đến đòi hỏi về địa điểm dừng đỗ xe, nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn.
Việt Nam Idol thất thủ?
Là người nước ngoài duy nhất lọt vòng chung kết Việt Nam Idol mùa thứ bảy, Janice có vẻ nhận được nhiều lời động viên, tình cảm ưu ái trước hết từ Ban giám khảo. Các giám khảo có xu hướng lờ đi những điểm yếu của Janice, vô tình hay cố ý hướng khán giả vào những ưu điểm của cô. Đến tận đêm chung kết, Janice hát Đừng yêu hầu hết không nảy được những nốt cao bằng giọng gió, những đoạn cao trào cô phải gần như hét lên. Nhưng vẫn được Thu Minh khen: “Em hát rất thành công”. Quang Dũng thì: “Bài tên Đừng yêu nhưng tiết mục này phải yêu thôi. Phải nhắn tin không còn cách nào khác”. Bằng Kiều: “Em không phải thí sinh nữa mà là nghệ sĩ. Mọi người hãy bình chọn cho em!”. Công bằng mà nói bài tiếng Anh sau đó Janice trình diễn rất thành công dù cô vừa nhảy vừa phải lên những nốt rất cao.
Janice Phương nhiều ưu điểm về giọng hát nhưng chưa hoàn hảo đến mức như giám khảo mô tả. Giả sử, Janice giỏi tiếng Việt hơn mà liên tục nghe giám khảo tung hô như vậy, có khi cô lại bị áp lực hoặc chủ quan chưa biết chừng?! Sự khen lấy được của giám khảo có thể vì xã giao, vì yêu mến thí sinh ngoại quốc dễ thương, nhưng cũng có thể khiến khán giả nghi ngờ rằng phải chăng đó là định hướng của Ban tổ chức, muốn khuếch trương yếu tố ngoại mới lạ để thu hút khán giả?!
Trong khi đó, giám khảo không ngại ngần dìm hàng đối thủ của Janice. Quang Dũng ám chỉ ai yêu mến Việt Thắng là “mù quáng”. Bằng Kiều khẳng định trong sự đồng tình của Thu Minh: nếu Thắng thành quán quân thì sẽ là quán quân nhiều lỗi, lắm tật nhất!? Việt Thắng chia sẻ với báo chí, trước khi đến với Idol chỉ mới hát ở trường và karaoke tại nhà. Trong khi Janice Phương đã kiếm sống bằng nghề ca sĩ nhiều năm cả ở Philippines và Việt Nam, lại còn được giám khảo ủng hộ- chiến thắng kể cũng không có gì quá ngạc nhiên.
Khi đến với truyền hình thực tế, điều mà cả người xem lẫn nhà sản xuất muốn tìm kiếm chính là cảm xúc. Vì thế những điều lạ lùng, chưa từng thấy, thậm chí gây sốc bao giờ cũng được săn tìm. Rõ ràng cảm xúc của một cô gái nước ngoài đăng quang “đất khách” sẽ bùng nổ hơn, là một thứ gì đấy đáng để mong chờ hơn về mặt tâm lý. Và thực tế cho thấy có vẻ như khán giả của Việt Nam Idol đã bỏ phiếu cho cô gái Philippines.
Một ưu điểm nữa mà các giám khảo “vẽ ra” cho Janice Phương là khả năng “quốc tế hóa” bài Việt Nam. Bằng Kiều gửi gắm: “Em sẽ là người Việt gốc nước ngoài đem ca khúc Việt Nam ra thế giới để khán giả cảm nhận ca khúc Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào. Nhiều người Việt muốn điều này chứ không riêng anh”. Ừ thì nếu có thời gian học tiếng Việt một cách hệ thống, Janice sẽ hát bài hát Việt Nam hay hơn. Nhưng khi Bằng Kiều đặt “gánh nặng” sang vai người nước ngoài vậy nghe nó cứ có gì “sai sai”. Như thể ca sĩ Việt Nam lâu nay bó tay trong việc khẳng định thực tế như anh nói. Trong khi đó, bản thân Janice Phương cũng chỉ dám mong mỏi được hát bài hát Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà thôi.
Vietnam Fashion Week Xuân Hè đêm cuối: Thời gian lắng đọng
Pianist Phó An Mi được giới thời trang gọi là “cơn lốc xoáy” của âm nhạc, đã thăng hoa bất tận trong cung đường thời gian và thời trang tối 2/10 bằng ngón đàn đầy ngẫu hứng trên dòng phím, khác biệt và cá tính quá đỗi mạnh mẽ.
Nguyễn Hữu Thái Hòa từng được biết đến là dân IT mê nhạc Trịnh. Còn ca sĩ Hồng Hạnh cũng như Thái Hòa, quá được ưu ái trong đêm thời trang Haute Couturevừa qua. Cả hai hát hàng chục ca khúc Trịnh Công Sơn, đơn ca hoặc song ca. Hồng Hạnh còn hát cả Trên đỉnh phù vân của Phó Đức Phương. Cả hai tình tứ đưa nhau vào một thế giới huyền thoại bằng những cung bậc của giai điệu thời gian bằng cảm xúc của thời đại, họ kết nối với thời trang như một sự tất yếu của quy luật chuyển động. Đêm Haute Couture đã làm cho thời gian thực sự lắng đọng.
Mở màn đêm 2/10- đêm cuối Tuần lễ Thời trang Xuân hè 2017 phong cách Haute Couture là BST của NTK Cao Minh Tiến. Màu thời gian xuất hiện trong không gian của những chiếc đồng hồ báo thức một ngày mới. Màu của Cao Minh Tiến là màu nắng, cũng có thể là màu của mây, của những giọt sương khuya đọng lại trên những tà áo trong suốt.
GenViet Jeans diễn tả thời gian qua những đường sọc chuyển sắc độ đậm nhạt, đôi khi còn đọng lại những hạt mưa lấp lánh như những hạt thủy ngân long lanh chảy. NTK Hoàng Xuân Sơn đã rất chắc tay trong việc tạo ra khuynh hướng couture cho chất liệu phổ biến này.
Quang Huy chọn chất liệu da và kỹ thuật đan lát của mây tre để nói về sự ràng buộc của thời gian. Đêm là đen và ngày là đỏ cũng có khi ngược lại. Sự ràng buộc mang tính tương phản này là khái niệm bức phá cho cuộc sống.
Hoài Nam thì hòa quyện những gam màu nóng lạnh để diễn đạt về mùa xuân với nhiều hy vọng. Trong khi đó, Eric Choong đến từ Malaysia luôn trung thành với chất liệu Batik. Thời gian của Eric Choong là sự bình yên trong niềm đam mê của thời trang.
Chula lại sử dụng gam màu đỏ và những con dấu hoa văn triện để diễn đạt khoảng cách của không gian và thời gian giữa Tây Ban Nha và Việt Nam. Với Chula, trong thời trang không bao giờ có khoảng cách khi biết sử dụng thời trang như lẽ sống của mình.
Hà Duy chọn phong cách của Lady in Black với chất liệu trong suốt có chấm bi. Thời gian tạo cho con người sự huyền bí và chính thời gian là nguyên cớ để khám phá những chân trời mới.
Hùng Việt xây dựng BST bằng thời gian của một ngày, sương buổi sáng trong lành trong khu vườn mùa Xuân, nắng ban trưa gay gắt trong khu vườn mùa hè và sự bình yên tuyệt đối cho thời gian của đêm.
Xhefrilondo và Anitapierubon đến từ nước Ý biểu hiện thời gian là những cây cổ thụ, đôi khi đó là những loại cây quý giá nhưng có thể là những loại cây bình thường. Cho dù thế nào thì cây vẫn trở thành cổ thụ nếu vượt qua được những sóng gió, thiên tai.
Duy Nguyễn bám sát ý tưởng về thời gian bằng cách quay về những motip hoàng gia và làm mới bằng cách tạo ra bố cục hài hòa trên nền vải lanh của người dân tộc H’Mông. Sự kết hợp hợp lý để tạo nên vẻ quyền lực lạnh lùng của nam giới.
Kết thúc đêm diễn bằng BST đầy ấn tượng, Minh Hạnh diễn tả thời gian bằng câu thành ngữ : Thời gian là Vàng, bằng kỹ thuật thêu chỉ lò xo vàng của Dubai. Trên nền vải Denim thô mộc và chất liệu vàng óng ả mang lại sức sống mãnh liệt cho những ai biết quý trọng thời gian.
Tiếng chuông đồng hồ đã điểm. Nghệ sĩ Phó An Mi phiêu bồng trong những nốt nhạc tưởng như tĩnh lặng của sự chấm dứt, nhưng không đó là sự khởi đầu của một mùa mới, đánh thức mùa xuân hè 2017 bằng ca từ mênh mang của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Thái Hòa- Hồng Hạnh: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười…
Nhan sắc của Đại tá Công an thủ vai 'Ni cô Huyền Trang'
Là giai nhân đình đám của Hà Nội những năm 1980, diễn viên Thanh Loan đã tham gia diễn xuất gần 20 bộ phim và chị may mắn có vai diễn để đời Ni cô Huyền Trang trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn''.
Dù đã bước sang tuổi 66 nhưng Đại tá, NSƯT Thanh Loan vẫn giữ được nét đẹp thanh tú, mặn mòi, đằm thắm. Theo chị, bí quyết đó là sự bình an trong tâm hồn cùng sự kiên trì tập luyện sức khỏe với các môn thể thao như võ, đi bộ, xe đạp.
Nữ diễn viên chia sẻ chị rất yêu Hà Nội, đặc biệt là mùa Thu - mùa đẹp nhất trong năm khiến những người như chị tự dặn lòng mình phải sống chậm hơn và dành những khoảnh khắc quý giá cho riêng mình để lãng đãng nhớ về những ký ức đẹp đẽ đã đi qua.